Bình Thuận: Lễ hội Dinh Thầy Thím chính thức là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Dinh Thầy Thím là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa được tổ chức tại Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận vào ngày 14/7.

Lễ hội Dinh Thầy Thím ở tỉnh Bình Thuận từ lâu được xem là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam.

Sáng ngày 14/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã phối hợp cùng với UBND thị xã La Gi tổ chức đón nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

dsc-8855-1657811094.jpgPhó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội Dinh Thầy Thím vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho thị xã La Gi - Ảnh Báo Dân Tộc. 

Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022). Trước đó, Lễ hội Dinh Thầy Thím được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 12/1/2022.

Lễ hội Dinh Thầy Thím ra đời, tồn tại gắn liền với sự hình thành của thiết chế tín ngưỡng Dinh và Mộ Thầy Thím. Thầy Thím là cách gọi thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với hai vợ chồng người đạo sĩ tài đức, giàu lòng nhân ái đã có nhiều công lao cứu giúp người dân nghèo trong cuộc sống. Do không rõ họ tên của vợ chồng người đạo sĩ, nên sau khi họ qua đời, người dân địa phương kính cẩn gọi là Thầy và Thím. Để ghi tạc công ơn đó, các thế hệ ông cha ngày trước đã lập dinh thờ Thầy Thím. 

Lễ hội diễn ra từ ngày 14-16/9 (Âm lịch) hàng năm với nhiều nghi lễ theo tập tục truyền thống.  Đây là không gian linh thiêng, trang trọng để người dân địa phương và du khách thập phương đến bái tế, tham quan, nghỉ dưỡng. Đan xen với phần lễ là phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian đậm nét xứ biển như: khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người…

Lễ hội Dinh Thầy Thím không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của người dân nhiều tỉnh, thành lân cận và ở khu vực phía Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng đến nay lễ hội vẫn được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành có từ lâu đời của cộng đồng cư dân địa phương.

Ngày 12/1/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa lễ hội Dinh Thầy Thím vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương; góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Thy Nhân (t/h)