Khắc phục những cảnh báo của EU trong nuôi trồng thủy sản để bảo vệ thị trường xuất khẩu

Theo Cục Thủy sản, để duy trì vị thế của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy sản xuất trong nước, công tác chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra của EU nhằm chứng minh tính tương đương trong hệ thống quản lý của cơ quan thẩm quyền và năng lực thực thi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cần được chú trọng. Việc khắc phục những cảnh báo của EU là vô cùng khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ thị trường xuất khẩu.
nuoi-trong-thuy-san-viet-nam-1-1726285196.jpg
Đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sắp sang Việt Nam để thanh tra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. (Ảnh minh họa)

Sẽ đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng đối với các sản phẩm xuất khẩu

Đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sắp sang Việt Nam để thanh tra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dự kiến đoàn sẽ đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường EU và thẩm tra độ tin cậy về đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định. Được biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành thanh tra thực địa từ ngày 24/9 đến 17/10/2024.

Trong những năm gần đây, EU đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về khối lượng xuất khẩu, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Cơ quan Thực thi các chính sách về An toàn sức khỏe và thực phẩm của EU (DG-SANTE), số lượng các lô hàng thủy sản từ Việt Nam bị cảnh báo do dư lượng hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng đã gia tăng đáng kể.

Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của EU đã nhiều lần phát hiện các lô hàng thủy sản của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn. Điều này đã dẫn đến quyết định của EU tiến hành thanh tra thực địa nhằm đánh giá toàn diện chương trình kiểm soát dư lượng tại Việt Nam. Nếu kết quả thanh tra không khả quan, có thể dẫn đến các biện pháp hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt từ EU, gây ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản Việt Nam.

nuoi-trong-thuy-san-viet-nam-3-1726285177.jpg
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra của thế giới; xuất khẩu tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Do đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Năm 2023, Việt Nam đã đón đoàn thanh tra Hoa Kỳ (FSIS) và năm nay sẽ chuẩn bị đón đoàn thanh tra EU (DG SANTE) trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiếp theo là đoàn của EC trong lĩnh vực khai thác thủy sản.

Theo Cục Thủy sản, để duy trì vị thế của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, công tác chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra nhằm chứng minh tính tương đương trong hệ thống quản lý của cơ quan thẩm quyền và năng lực thực thi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cần được chú trọng.

Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Cục Thuỷ sản, cho biết, thị trường Hoa Kỳ và EU là những thị trường khó tính với những yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm cũng như tính bền vững. Trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD, đây là những thị trường giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm, dự kiến đoàn thanh tra EU trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ thanh tra từ ngày 24/9 đến 17/10 để đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang EU cụ thể là thủy sản nuôi và mật ong.

Đồng thời thẩm tra độ tin cậy về việc đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định của EU. Nếu kết quả của đoàn thanh tra không đạt như mong muốn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác. Vì vậy, các địa phương cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu, quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại công đoạn nuôi và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

“Cho dù có thanh tra hay không chúng ta phải làm tốt công việc, toàn bộ chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn tạm thời chia ra là có công đoạn nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Trong công đoạn nuôi có phần kiểm soát con giống, nguồn nước, tác nhân gây ô nhiễm và thuốc kháng sinh thì sẽ có hai cơ quan cùng tham gia quản lý. Thứ nhất là Cục Thủy sản quản lý nước, thức ăn, hóa chất và sản phẩm xử lý môi trường. Riêng thuốc thú y, kháng sinh, dịch bệnh sẽ do Cục Thú y sẽ quản lý. Ngoài ra Cục Thủy sản sẽ quản lý từ công đoạn ao nuôi, thả giống cho đến khi thu hoạch, còn vận chuyển cho đến khi tiêu thụ do Cục Quản lý chất lượng” - bà Nguyễn Thị Băng Tâm nói.

Khắc phục những cảnh báo của EU để bảo vệ thị trường xuất khẩu thủy sản

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD và cá tra đạt 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy năm nay ngành thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá vật tư đầu vào cao, giá bán thủy sản nguyên liệu thấp, thậm chí có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, cước vận tải tàu biển tăng khiến lợi nhuận của toàn chuỗi từ nuôi đến chế biến, xuất khẩu thủy sản khó được như kỳ vọng.

Tại hội nghị chuẩn bị đón đoàn thanh tra, đại diện từ các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thủy sản... đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp cụ thể, nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ, tài liệu và giải pháp khắc phục cảnh báo cho đoàn thanh tra Liên minh châu Âu.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhấn mạnh rằng việc khắc phục những cảnh báo của EU là vô cùng khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ thị trường xuất khẩu. Ông Tiệp chỉ rõ rằng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc về doanh nghiệp, và việc kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên liệu là yếu tố sống còn. Ông nhấn mạnh: "Doanh nghiệp phải theo sát người nuôi nguyên liệu để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế".

nuoi-trong-thuy-san-viet-nam-4-1726285276.jpg
Trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc về doanh nghiệp, và việc kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên liệu là yếu tố sống còn. (Ảnh minh họa)

Ông cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị từng bị cảnh báo, cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ kiểm soát môi trường, tồn dư hóa chất và kháng sinh. Những hồ sơ này phải khớp với các hồ sơ của cơ quan địa phương và trung ương để tránh bị áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc không được xuất khẩu trở lại.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và triển khai các kế hoạch hành động nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra này. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và hướng dẫn, đặc biệt trong việc đăng ký các cơ sở cung ứng, bảo quản, sơ chế cùng với sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát thực trạng tại các doanh nghiệp và địa phương, giúp họ nhanh chóng chuyển biến và khắc phục những thiếu sót. Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra danh mục, nhãn mác, thành phần thuốc thú y và chế phẩm sinh học tại các cửa hàng bán lẻ, đồng thời quản lý chặt chẽ các phòng kiểm nghiệm dư lượng hóa chất và kháng sinh trong mẫu tôm, cá.

Việc chuẩn bị này không chỉ đơn giản là tuân thủ các quy định hiện hành, mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện quy trình sản xuất và kiểm tra, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của thị trường quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật từ EU ngày càng cao, đòi hỏi các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng để duy trì và phát triển thị phần​./.

Bình Nguyên