Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại các thị trường trọng điểm chưa được như mong muốn, nhưng theo thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2023 đã tăng 10,2% so với tháng 7 và đạt 858,783 triệu USD. Tuy nhiên, luỹ kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản còn giảm 24% so với năm 2022 và đạt 5,789 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ lực đều sụt giảm
Tháng 7/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 315 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 16,8% về trị giá so với tháng 7/2022. Nhưng là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm 2023 do xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc phục hồi. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ tăng tháng đầu tiên sau khi liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm và xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tháng thứ 2 liên tiếp.
Song, mức tăng xuất khẩu ở thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa bù đắp được mức giảm xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Anh, Úc ...
Tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc. 7 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 440,87 triệu USD, giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 13,3% trong 7 tháng năm 2022 xuống còn 12,3% trong 7 tháng đầu năm 2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc là thị trường được kỳ vọng sẽ tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam khi mở cửa hoàn toàn sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu thực sự tại thị trường này chưa tăng mạnh do khó khăn về kinh tế, tình trạng thất nghiệp, thu nhập của người dân sụt giảm. Song, mức độ sụt giảm đang được thu hẹp dần, và có thể kỳ vọng vào những tháng cuối năm khi kinh tế khả quan dần và người dân đã thích nghi hoàn toàn với bối cảnh mới. Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm giảm từ 8% - 14% so với cùng kỳ năm 2022, dao động ở mức 1,9 - 2,35 USD/kg.
Trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chưa tăng như mong muốn thì thị trường Mỹ cũng không khá hơn. Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, thị trường Mỹ cũng không mấy khả quan đối với xuất khẩu cá tra do những biến động về kinh tế, lạm phát ở mức cao, lượng tồn kho cao khiến lượng xuất khẩu năm 2023 giảm. Giá xuất khẩu cá tra sang cường quốc này dao động từ 2,97 - 3,1 USD/kg, giảm từ 25% - 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt xấp xỉ 9 tỷ USD
Nhận định về tình hình thương mại thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, mức sụt giảm xuất khẩu đang thu hẹp dần là dấu hiệu cho thấy tình hình xuất khẩu thủy sản đang dần khả quan.
So sánh với năm 2022, thời điểm giá xuất khẩu tăng từ 15-20%, thậm chí có mặt hàng tăng tới 18% nên người mua phải mua giá cao, còn hiện nay giá xuất khẩu đang khá thấp nên so từ đầu năm tới nay mức giảm vẫn còn đến 24%, nhưng trong đó yếu tố giá chiếm từ 15-20%.
“Hoạt động xuất khẩu thủy sản chịu sự tác động bởi tình hình kinh tế thế giới. Song, có thể chắc chắn một điều là nhu cầu thủy sản trên thị trường sẽ không thể cao, đặc biệt là Trung Quốc, do thị trường này đang nằm trong trạng thái “hết sức khó” cho thủy sản Việt Nam”, ông Hòe nói.
Trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản khá lớn, cho nên rất khó dự đoán, nhưng chủ yếu là mức giảm của tháng 8 so với tháng 7 và so những tháng trước đã bắt đầu được rút ngắn. Đây là tín hiệu tích cực để dự báo tình hình cuối năm sẽ được cải thiện hơn, và kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có thể đạt từ 8-9 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD là một kỳ vọng rất lạc quan, vì 8 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8 tỷ USD còn lại 4 tháng cuối năm hy vọng mỗi tháng đạt 700 triệu USD, được như vậy xuất khẩu thủy sản sẽ xấp xỉ 9 tỷ USD. Nếu đạt được 9 tỷ USD thì vẫn thấp hơn năm 2022 tới 2 tỷ USD, là mức giảm khá nhiều.
Theo VASEP, toàn ngành thủy sản đã cố gắng hết sức nhưng do ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu và Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ mở khá lớn nên xuất khẩu thủy sản chắc chắn sẽ bị tác động. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế như hiện nay nếu so sánh với các ngành khác thì thủy sản cũng không quá bi đát.
“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất nhanh và mở rất rộng, trước những tác động của thị trường toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Đó là chưa kể do nhiều yếu tố trên toàn cầu tác động như chiến tranh làm giá nguyên liệu đầu vào ngành thủy sản tăng mạnh, đẩy chi phí giá thành tăng thêm làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, trong khi giá bán ra lại sụt giảm nhiều so với năm 2022”, Tổng thư ký VASEP nói.
Theo ông Hòe, trong bối cảnh này ngành thủy sản Việt Nam không có con đường nào khác ngoài việc phải tìm cách tối ưu hóa các lĩnh vực. Quan trọng là chờ đợi và kỳ vọng cho sự phục hồi vào năm 2024. Vì thông thường tháng 12 các đối tác nước ngoài sẽ nghỉ chuẩn bị Noel và các lễ tết cuối năm nên các doanh nghiệp sẽ kết thúc giao hàng vào cuối tháng 11, tuy nhiên, hiện nay dịch vụ logistics giao hàng cũng khá nhanh nhẹn, VASEP kỳ vọng nhu cầu tại các thị trường trong các tháng cuối năm sẽ tăng và đẩy tăng trưởng xuất khẩu tăng lên thêm.