Nhiều chỉ tiêu vượt định mức
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thử thách. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương; Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về kinh tế, Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân hàng năm ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước.
Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao và khá toàn diện, giữ vai trò nền tảng cho sự ổn định kinh tế xã hội.
Một số khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao đã đưa vào khai thác như Xuân Thiện; Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO… Mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp tục phát triển. Việc ứng dụng, chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 15,41%/năm, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Có 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản phẩm năm 2023 tăng so với năm 2020. Một số sản phẩm có sản lượng trong nhóm đầu của cả nước như: Lọc hóa dầu, xi măng, thép.
Về quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra tầm nhìn, không gian, động lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 ước đạt 38%, tăng 3% so với đầu nhiệm kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước tại tỉnh Thanh Hóa tăng mạnh, tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm, từ 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao hằng năm; trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 409.000 tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu của cả giai đoạn. Đáng chú ý là cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh thu hút được 170 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 22 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 33.676 tỷ đồng và 214 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, hệ thống cơ sở hạ tầng được tỉnh Thanh Hóa chú trọng đầu tư xây dựng như: dự án đường bộ ven biển đoạn Nghi Sơn – Hoằng Hóa, tổng vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng; đường kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45 với đường cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; đường kết nối khu du lịch Bến En với cao tốc Bắc – Nam, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng...
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu sớm
Từ những kết quả đạt được nêu trên là bước đà quan trọng để tỉnh Thanh Hóa sớm hoàn thành mục tiêu trong đề ra trong Nghị quyết. Bên cạnh đó, địa phương cũng gặp không ít khó khăn thử thách như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chất lượng thấp, chưa thực sự bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế.
Hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu doanh nghiệp có vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực miền núi. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường...
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng,
Tranh thủ tốt thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần tự lực, tự cường; Chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển với chăm lo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Thực hiện nghiêm Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế phía Bắc Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu”.