"Kết nối con đường di sản" là sản phẩm du lịch nằm trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelie-Aquitaine (Cộng hòa Pháp) nhằm phát triển sản phẩm du lịch kết nối di sản giữa các địa phương trên địa bàn 3 tỉnh gồm Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang.
Sản phẩm du lịch liên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Nhận thấy đây là sản phẩm du lịch bền vững, có ý nghĩa quan trọng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch "Phối hợp tổ chức Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch Kết nối con đường di sản". Mục tiêu nhằm khảo sát, đánh giá tính khả thi của việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch “Kết nối con đường di sản” từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai) đến Xín Mần (Hà Giang).
Đoàn khảo sát đã trải nghiệm thực tế sản phẩm, dịch vụ du lịch ở Khu du lịch sinh thái Ô Quy Hồ, Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Đường đá cổ Pavie (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ).
Kết quả cho thấy, các địa điểm khảo sát có sự phong phú về di sản thiên nhiên và văn hóa. Nhiều di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được công nhận. Bản sắc văn hóa, phong tục, ẩm thực truyền thống của các dân tộc được giữ gìn...
Dự kiến, năm 2025, tỉnh Lai Châu sẽ tăng cường kết nối, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour du lịch nội thành, tour du lịch nội tỉnh từ thành phố Lai Châu đến các điểm du lịch ở Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn; và kết nối cả các tuor du lịch ngoại tỉnh: Sa Pa - Lai Châu - Điện Biên; Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu; Hải Phòng - Lào Cai - Lai Châu...
Vừa qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai cũng đã báo cáo kết quả khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch "Kết nối con đường di sản", “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý (Bát Xát).
Trong tour "Kết nối con đường di sản", du khách sẽ được tham quan thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà và thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai); huyện Phong Thổ (Lai Châu) và huyện Xín Mần (Hà Giang). Qua đó liên kết các điểm du lịch có giá trị về thiên nhiên, di sản, văn hóa, lịch sử: Khu chạm khắc đá cổ; Nhà trưng bày đá cổ, đường đá cổ Pavie; cộng đồng dân tộc Hà Nhì; dinh thự Hoàng A Tưởng; chợ Bắc Hà; danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa; danh thắng ruộng bậc thang Thề Pả; Vườn di sản Asean…
Sản phẩm cũng sẽ kết nối cảnh quan thiên nhiên và các bản làng truyền thống. Tất cả những địa danh, cảnh quan thiên nhiên, bản làng đặc sắc này sẽ nối mạch, tạo nên sự liên kết của sản phẩm du lịch, tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm du lịch khác đang có. Chương trình được đề xuất sẽ giới hạn số lượng khách mỗi tour, vì dự án tính đến vấn đề bền vững, giảm thiểu tác động môi trường...
Ông Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đánh giá đây là một trong những chương trình hay cung đường du lịch có nhiều tài nguyên du lịch gắn với ý nghĩa lịch sử, cảnh quan, bản sắc, văn hóa và mang tính kết nối rất tốt. Hy vọng kết quả từ các chuyến khảo sát sẽ là một trong những điều kiện, tiền đề để các địa phương kết nối với đơn vị lữ hành cũng như các khu, điểm du lịch".
Hợp tác phát triển du lịch Lào Cai – Lai Châu – Hà Giang sẽ mở ra sự liên kết các địa điểm có giá trị thiên nhiên, di sản, văn hóa, lịch sử: Khu chạm khắc đá cổ, nhà trưng bày đá cổ, đường đá cổ Pavie, dinh thự Hoàng A Tưởng, chợ Bắc Hà, di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Thể Pả, vườn di sản ASEAN… tạo sự liên kết của sản phẩm du lịch, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm du lịch khác trên thị trường./.