Xúc tiến kết nối giao thương giữa nhà cung cấp miền Trung-Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp các Sở Công Thương và Trung tâm xúc tiến của các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại".

Ngày 15/7, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức Hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”. Đây là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến thương mại nước ngoài.

Hội nghị thu hút 250 đại biểu đại diện Bộ Công Thương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, các Hiệp hội ngành hàng, tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp.

dn34-1657864963797423469295-1657979925.jpg
Lễ khai mạc hội nghị kết nối giao thương - Ảnh: VGP/Minh Trang

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thành phố ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố gồm dệt may, thủy sản, thiết bị điện và sản phẩm điện tử, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em đều có mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng năm 2022 với mức tăng trung bình trên 20%. Đến nay, các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU. Hội nghị là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022. Qua đó, tạo cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở các địa phương miền Trung Tây Nguyên gặp gỡ để kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu... sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Bà Phương cho biết thêm, hội nghị hôm nay cùng với chuỗi các hoạt động kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm tổ chức tại TP. Đà Nẵng sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm của doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua các hệ thông phân phối nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của mỗi địa phương.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thông tin về việc thông quan đối với các mặt hàng nông sản, trái cây tươi từ Việt Nam; hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản; các tiêu chuẩn đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Úc... Trong đó, tập trung hệ thống tiêu chuẩn các nước khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống phân phối; quy trình thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản; thảo luận các giải pháp, định hướng hỗ trợ các địa phương khu vực miền Trung  Tây Nguyên về kết nối, quảng bá, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản mang tính bền vững.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng, với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp từ 16 địa phương đang cung ứng nguồn hàng chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu, chương trình kết nối sẽ cung cấp thông tin, giải pháp hiệu quả thiết thực giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối trong nước, ngoài nước và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Trong khuôn khổ chương trình, từ ngày 14-17/7, tại khuôn viên Bờ Đông cầu Rồng (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với sự tham gia của khoảng hơn 300 nhà cung cấp, doanh nghiệp.

Anh Vân (t/h)