Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung

Đó là nhận định của ông Hồ Đại Nam, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị trong buổi trao đổi mới đây với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh. Ông Nam cho biết, mục tiêu đến sau năm 2030 Quảng Trị đạt trên 10.000 MW điện nguồn.

Ông Hồ Đại Nam, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị (nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị) cho biết, Quảng Trị hiện có khoảng 1.000 MW điện NLTT đã được thực hiện. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 – 5.000 MW và phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 10.000 MW điện nguồn.

du-an-dien-gio-o-huong-hoa-anh-doan-thuan-1653385824.jpg
Một dự án điện gió ở Hướng Hoá - Quảng Trị (Ảnh: Đoàn Thuận).

"Con số trên được xây dựng dựa trên các cơ sở sau: Thứ nhất, dựa vào nhiệt điện than với công suất 1.320 MW đã được đưa vào sơ đồ quy hoạch điện VII giai đoạn từ năm 2011 – 2020, đã được Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt, hiện doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để triển khai; Thứ hai, dựa vào nguồn khí hoá lỏng LNG. Đầu năm 2021, Chính phủ đã đồng ý để Quảng Trị triển khai giai đoạn I, dự án điện khi LNG Hải Lăng với công suất là 1.500 MW. Dự kiến dự án này sẽ được mở rộng lên 4.000MW, tính đến việc khai thác các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu từ ngoài khơi vào. Ngoài ra, mỏ khí Báo Vàng đã được Chính phủ đồng ý cho Gazprom – CHLB Nga xây dựng nhà máy điện khí với công suất là 340 MW".

Bên cạnh đó, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Trị cho biết thêm, chủ trương của tỉnh sẽ tập trung vào phát triển năng lượng điện gió. Riêng điện năng lượng mặt trời (NLMT) hạn chế đầu tư. Do các dự án điện NLMT tốn nhiều đất, ước tính mỗi MW điện NLMT thì phải mất đến 1 ha đất, như vậy 1.000 MW điện NLMT phải mất đến 1.000 ha đất là không ổn. Đặc biệt, với một địa phương không có nhiều nguồn tài nguyên đất như Quảng Trị.

"Vừa qua, các nhà đầu tư điện gió đã nghiên cứu, khảo sát thì thấy Quảng Trị có nhiều địa phương, nhiều địa bàn có khả năng sản xuất điện gió rất tốt. Hiện tại, các dự án điện gió chủ yếu tập trung ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) tại vì vùng này có sức gió mạnh nhất tỉnh. Tuy vậy, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng. Các đơn vị đã khảo sát ở vùng Đakrông, Cam Lộ và ngay cả vùng biển cũng có thể sản xuất điện gió được. Sau này các cột điện gió tốt hơn có thể sản xuất điện được ở tốc độ gió từ 4,5 – 5,5 m/s. Hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đều đạt.

Vừa rồi cũng đã khảo sát điện gió ở ngoài khơi như đảo Cồn Cỏ, ở vùng nước cạn. Tỉnh cũng có hiện thực và tiềm năng để đạt được mục tiêu. Tỉnh Quảng Trị cũng lựa chọn công nghiệp năng lượng là lĩnh vực trọng điểm để tạo ra sản lượng công nghiệp từ đó tác động đến GRDP, tăng thu ngân sách trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện tại đang chờ cơ chế và quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt. Điều này hết sức quan trọng vì điện đưa vào quy hoạch thì mới có nhà đầu tư.

Nói tóm lại, tiềm năng thì có, tuy nhiên phát triển được thì còn nhiều yếu tố như quy hoạch điện VIII. Và một số yêu tố khách quan khác, ví dụ điện khí than, khí LNG phụ thuộc các dự án đang triển khai nhưng xung đột Ukraina – Nga kéo dài có thể ảnh hưởng khiến giá than, khí LNG tăng cao dẫn đến giá sản xuất điện tăng theo và có thể dẫn đến không đầu tư được", ông Hồ Đại Nam nói. 

Theo ông Hồ Đại Nam, về định hướng tiến độ đầu tư, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến triển khai các dự án.

lanh-dao-trung-uong-lanh-dao-dia-phuong-va-cac-nha-dau-tu-an-nut-khoi-cong-giai-doan-1-du-an-dien-khi-lng-hai-lang-anh-doan-thuan-1653386246.jpg
Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư ấn nút khởi công giai đoạn 1 Dự án điện khí LNG Hải Lăng (Ảnh: Đoàn Thuận).

Theo tìm hiểu được biết, đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có thêm 12 dự án điện gió triển khai thi công. Trong đó, dự kiến dự án có từ 3-5 hoàn thành và phát điện thương mại. Tiềm năng thu hút đầu tư điện gió ở Quảng Trị vẫn còn rất lớn. Đến nay, đã có 31 dự án điện gió đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, ngoài ra tỉnh còn 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch.

Vào tháng 3/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị. Vị trí dự án khảo sát được xác định có quy mô khoảng 350 ha mặt biển, cách bờ biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng khoảng 8km. Dự án có công suất 1.000 MW với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 72.000 tỉ đồng.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Thu hút đầu tư vào làm điện gió là chủ trương đúng vì mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1 MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường. Minh chứng là làm 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất; trong đó, có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời”.
Đoàn Thuận