Đây cũng là vấn đề khó, phức tạp, phạm vi rộng và liên quan đến nhiều khía cạnh, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm đến thể chế, nguồn lực phát triển. Với tầm quan trọng đó, ngày 12 tháng 11 năm 2021, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Để tìm hiểu rõ hơn về Kế hoạch này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phóng viên (PV): Thưa bà, Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, với tư cách là đơn vị tham mưu xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu trên, bà có thể chia sẻ về vai trò và sự cần thiết của Kế hoạch trong bối cảnh hiện nay?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Cơ cấu lại kinh tế là quá trình phân bố lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bản chất của cơ cấu nền kinh tế là những thay đổi trong hệ thống thể chế, chính sách, là quá trình nâng cấp hệ điều hành của nền kinh tế để nguồn lực được huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn từ đó hình hành cơ cấu kinh tế hợp lý hơn.
Giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện… Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế như: Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế. Thu ngân sách nhà nước chưa thật sự bền vững. Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp....
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp từ bối cảnh thế giới như cạnh tranh địa chính trị, căng thẳng thương mại, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19… đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cần có những định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong bối cảnh phức tạp đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phải được thực hiện với các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. Như vậy, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không phải là một kế hoạch mới, mà là bước tiếp nối và cụ thể hóa, gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn tới.
Bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh COVID-19 yêu cầu Việt Nam phải thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Bởi lẽ, nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì Việt Nam sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những lợi ích từ hội nhập quốc tế...
PV: Bà có thể chia sẻ rõ hơn về các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Kế hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát đến hết năm 2025 hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Kế hoạch đưa ra 7 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, Kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
PV: Các mục tiêu đặt ra khá là tham vọng, vậy Kế hoạch đã đưa ra những giải pháp gì để có thể đạt được không thưa bà?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Thứ 3 phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ tư phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Thứ năm cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
PV: Thưa bà, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng đưa ra các định hướng cơ cấu lại ngành, thành phần và không gian kinh tế, bà có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Về định hướng cơ cấu lại ngành kinh tế, Kế hoạch đã đưa ra định hướng cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về định hướng cơ cấu lại thành phần kinh tế, Kế hoạch đề ra định hướng huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước.
Về định hướng phát triển không gian kinh tế, Kế hoạch đưa ra định hướng Cơ cấu lại không gian kinh tế hợp lý, mở rộng không gian phát triển; thúc đẩy liên kết vùng, đô thị-nông thôn nhằm tận dụng lợi thế theo quy mô, khai thác thế mạnh của các vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa; phát triển kinh tế đô thị, nâng cao vai trò đổi mới sáng tạo của các trung tâm, đô thị lớn; phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.
PV: Theo bà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có những điểm mới và đột phá gì so với Kế hoạch giai đoạn trước đó?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Đúng là so với Kế hoạch giai đoạn trước, Kế hoạch lần này có nhiều điểm mới và đột phá hơn so với giai đoạn trước.
Cụ thể, một số điểm mới như: Kế hoạch được bổ sung điểm mới để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới; trong đó nổi bật nhất là kinh tế số, kinh tế đô thị và phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng có một số điểm đột phá như: Kế hoạch xác định thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là đột phá do đó giải pháp về hoàn thiện thể chế, giải pháp thức đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được đề xuất để thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành (phát triển ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ số, các ngành mới từ ứng dụng công nghệ số, một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ tài chính, nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, xanh hóa, ....), cơ cấu lại không gian kinh tế (phát triển đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, đổi mới mô hình tăng trưởng ở các đô thị lớn, kết nối vùng, kết nối thành thị-nông thôn) và phát triển lực lượng doanh nghiệp (phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của người Việt cả nhà nước và tư nhân có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, kết nối chuỗi trong nước và toàn cầu).
PV: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện trong giai đoạn 5 năm, vậy kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể từng giai đoạn như thế nào thưa bà?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ cụ thể phân công cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát. Kế hoạch được triển khai gắn với Chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Kế hoạch chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn một đến năm 2022: Tập trung hoàn thiện thể chế, chuẩn bị các điều kiện nền tảng kết hợp đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế.
Giai đoạn hai từ năm 2023 đến 2025: Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ tất cả các giải pháp nhằm tạo kết quả rõ nét trong ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tăng cường nội lực, hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Cuối cùng, Kế hoạch nhấn mạnh lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt. Có vậy, mới thực hiện thành công cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn bà!./.