Thông báo về kết quả hoạt động năm tài chính 2022 được đưa ra khi bà Ruth Horowitz đảm nhận nhiệm vụ là Phó Chủ tịch Phụ trách IFC Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (bao gồm cả Đông và Nam Á) tiếp quản từ ông Alfonso Garcia Mora, hiện là Phó Chủ tịch Phụ trách Khu vực Châu Âu, Mỹ Latinh và Caribê của IFC.
Bà Ruth Horowitz, Phó Chủ tịch Phụ trách Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia vào khu vực này và sẽ hợp tác chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, khách hàng và các bên liên quan trong khu vực, đồng thời mong muốn được tiếp tục phát triển các hoạt động hỗ trợ có tầm ảnh hưởng lớn đến khu vực tư nhân dựa trên nền móng vững chắc đã được tạo lập”.
Bà Horowitz là một chuyên gia đầu tư toàn cầu với hơn 30 năm kinh nghiệm. Gần đây nhất, bà đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Bộ phận Huy động Vốn chủ sở hữu - Công ty Quản lý Tài sản (AMC) của IFC, là công ty đã huy động được 10,1 tỷ USD từ 13 quỹ. Trước khi gia nhập IFC với tư cách là Giám đốc Điều hành và Giám đốc của AMC, bà Horowitz đã làm việc cho tập đoàn Lehman Brothers.
Đầu tư kỷ lục của IFC cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bao gồm 2,34 tỷ USD dưới hình thức vốn cổ phần, khoản vay và trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu xã hội, dành cho các định chế tài chính trong khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhóm sử dụng lao động nhiều nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương là động cơ tăng trưởng của khu vực.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực đang phải hứng chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, IFC đã cung cấp 600 triệu USD đầu tư dài hạn trong các gói hỗ trợ ứng phó với Covid, kết hợp với 100 triệu USD tài trợ ngắn hạn để giúp các nhà xuất nhập khẩu trong khu vực tăng cường hoạt động giao thương, trong đó có kinh doanh thực phẩm và hàng hóa trong thời kỳ kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Tính chung trong ba năm tài chính từ 2020 đến 2022, IFC đã cam kết cung cấp 2,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch Covid-19, bao gồm 400 triệu USD tài trợ ngắn hạn.
“Với những thách thức toàn cầu chưa từng có, các cam kết kỷ lục của IFC đã giúp khu vực vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, duy trì việc làm và tập trung vào một lộ trình phục hồi xanh, thích ứng và toàn diện”, bà Kim-See Lim, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết.
“Năm tài chính vừa qua đã chứng kiến nhiều điều đầu tiên trong lĩnh vực khí hậu, trong đó có các đợt phát hành trái phiếu xanh giúp giải quyết ô nhiễm môi trường biển và hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đạt được các mục tiêu khí hậu. Trái phiếu gắn với phát triển bền vững đầu tiên IFC đầu tư cũng là ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương”, bà Kim-See Lim cho biết thêm.
Các cam kết của IFC bao gồm 1,2 tỷ USD để hỗ trợ các dự án khí hậu trên khắp khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có các khoản tài trợ cho các giao dịch xanh và bảo vệ đại dương mang tính đổi mới sáng tạo cũng như cho các dự án năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng đô thị thông minh với khí hậu.
Khi đảm nhận vai trò mới là Phó Chủ tịch Phụ trách Khu vực, bà Ruth Horowitz cho biết , khí hậu vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: “Châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định trận chiến chống biến đổi khí hậu sẽ thắng hay thua, vì vậy IFC sẽ tiếp tục làm việc với khu vực tư nhân để tăng cường tài chính trong khu vực, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu về khí hậu, đồng thời theo đuổi những mục tiêu phát triển lớn hơn”.
“Khi những thách thức mới như lạm phát toàn cầu gia tăng và tác động của dịch Covid-19 đang dàn mỏng nguồn lực tài chính công, IFC cần tiếp tục phối hợp với khu vực tư nhân để triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết những thách thức phát triển này, giúp người dân có thể tiếp cận những dịch vụ và việc làm mà họ cần. Tôi mong muốn củng cố và phát triển các mối quan hệ đối tác mới trên toàn khu vực Châu Á và Thái Bình Dương khi đảm nhận nhiệm vụ này”, bà Ruth Horowitz nhấn mạnh.
Được biết, hoạt động của IFC tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính 2022 bao gồm:
IFC đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào một trái phiếu gắn với phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, với 110 triệu USD vốn tự có và 350 triệu USD vốn huy động vào trái phiếu gắn với phát triển bền vững đầu tiên của tập đoàn Sembcorp Industries.
Là nhà đầu tư tiên phong vào trái phiếu xanh bảo vệ đại dương, IFC đầu tư 100 triệu USD vào trái phiếu xanh bảo vệ đại dương đầu tiên tại Philippines do ngân hàng BDO Unibank phát hành. IFC cũng đầu tư 50 triệu USD vào trái phiếu xanh bảo vệ đại dương lần đầu tiên được phát hành bởi một ngân hàng thương mại ở Thái Lan (Ngân hàng TMBThanachart).
Thực hiện gói tài trợ 700 triệu USD mang tính bước ngoặt cho Goertek để xây dựng một nhà máy chế tạo sản phẩm điện tử hiện đại ở một trong những vùng nghèo nhất của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn và tạo ra 40.000 việc làm thường xuyên và có tay nghề cao.
IFC đã đầu tư 100 triệu USD vào trái phiếu xã hội đầu tiên của tập đoàn Ayala Corporation trong lĩnh vực y tế để giúp tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ y tế giá rẻ rất cần thiết ở Philippines.
IFC cam kết dành 300 triệu USD để mua trái phiếu xã hội lần đầu tiên được Ngân hàng PT KB Bukopin Tbk (một ngân hàng tư nhân ở Indonesia) phát hành. Trái phiếu được dành để giải quyết các hậu quả kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ, các dịch vụ y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng cơ bản.
Để bảo vệ nông dân, nhà bán lẻ siêu nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - những đối tượng vốn đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế, IFC đã hợp tác với công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Growsari ở Philippines để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Tại Indonesia, hoạt động đầu tư vào các công ty Sayurbox và AwanTunai giúp cải thiện liên kết chuỗi cung ứng, gia tăng cơ hội tăng trưởng cho nông dân và các nhà bán lẻ siêu nhỏ, trong đó có phụ nữ.
Hỗ trợ của IFC để phát triển cảng cạn tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Lào sẽ cho phép quốc gia nội lục này trở thành trung tâm xuất khẩu mới của khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm.
Tại Campuchia, các chuyên gia của IFC đang hỗ trợ Ngân hàng Quốc gia Campuchia thiết lập thị trường tài chính xanh, tiến tới giới thiệu các khoản vay, trái phiếu xanh hoặc bền vững.
Tại các quốc đảo Thái Bình Dương, IFC đã triển khai chương trình hợp tác công-tư để giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên công đang thậm chí còn trở nên khan hiếm hơn sau đại dịch Covid-19 với việc ký thoả thuận xây dựng một cơ sở chế biến cá ngừ ở Quần đảo Solomon, và các thoả thuận về năng lượng tái tạo ở Samoa và Papua New Guinea.
Tại Mông Cổ, IFC đã giúp soạn thảo các tài liệu hướng dẫn và quy định về trái phiếu xanh của Mông Cổ, để thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh tại thị trường trong nước.