Cụ thể, ông Jacobs kế nhiệm ông Kyle Kelhofer, đã tiếp nhận vị trí mới là Giám đốc quốc gia cấp cao phụ trách Benin, Ghana, Liberia, Sierra Leone và Togo, sau khi đã đảm nhận vai trò Giám đốc quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào trong 7 năm.
Làm việc tại Hà Nội, ông Jacobs sẽ tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, ông Jacobs sẽ ưu tiên tăng cường tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp địa phương, mở rộng phát triển năng lượng tái tạo, và thúc đẩy các sáng kiến thông minh về khí hậu để hỗ trợ chương trình nghị sự về khí hậu của các quốc gia.
Mang quốc tịch Hoa Kỳ, ông Jacobs gia nhập IFC năm 2003, và từng làm việc ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Trung Á, Trung Đông, và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ông đã dẫn dắt thực hiện nhiều sáng kiến liên quan đến mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho phụ nữ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu, tăng cường cải cách và triển khai chính sách tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt trong nhiều ngành, bao gồm hạ tầng, kinh doanh nông nghiệp, ngân hàng, và du lịch.
Bà Kim-See Lim - GĐ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC, cho biết: “Làm việc tại nhiều khu vực trong hai thập kỷ qua, Thomas sẽ mang theo nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong vai trò mới, giúp IFC tham gia sâu hơn trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với giai đoạn phát triển tiếp theo của các nền kinh tế khu vực Mêkong”; “Khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, Thomas và đội ngũ của IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, Cam-pu-chia, và Lào tái thiết mạnh mẽ hơn và xanh hơn, phát huy tiềm năng của khu vực tư nhân để thúc đẩy năng suất, cạnh tranh, và đổi mới tại các nền kinh tế”, bà Kim-See Lim, nhấn mạnh.
Ông Jacobs - Tân Giám đốc quốc gia mới của IFC phụ trách khu vực Mekong bao gồm Việt Nam, Campuchi và Lào, chia sẻ: “Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi toàn bộ các thảo luận và cam kết từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu rút cục sẽ được hiện thực hóa hay thất bại, do vậy, trọng tâm chiến lược của tôi là hỗ trợ các quốc gia đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đồng thời thực hiện các cam kết về khí hậu. Điều quan trọng là hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai một cách bền vững để phát triển kinh tế mà không gây tổn hại cho môi trường”.
Theo tìm hiểu, đầu tư của IFC tại Việt Nam đã tăng mạnh trong 5 năm qua, mở rộng từ đầu tư vào các định chế tài chính, ngân hàng sang các lĩnh vực khác, tập trung vào cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, và kinh doanh nông nghiệp cũng như thúc đẩy các sáng kiến đổi mới sáng tạo và thông minh liên quan tới biến đổi khí hậu.
Tại Campuchia, IFC đã hỗ trợ thúc đẩy một khu vực tư nhân mạnh mẽ và có năng lực cạnh tranh thông qua mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu và cải thiện các dịch vụ hạ tầng bền vững và có vai trò thiết yếu đối với doanh nghiệp.
Tại Lào, IFC đã tập trung tài trợ và tư vấn cho các lĩnh vực chính có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế, bao gồm các lĩnh vực tài chính, kết nối, năng lượng tái tạo, và tạo việc làm, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh nói chung.
Được biết, IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. IFC hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2021, tổng đầu tư dài hạn của IFC vào các công ty tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt 31,5 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung khi các nền kinh tế phải vật lộn với đại dịch Covid-19.