Hướng đến sản xuất vải an toàn, ngay từ đầu năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng vải theo quy trình VietGAP; kiểm tra, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ dịch hại cho cây vải theo quy trình VietGAP gắn với các yêu cầu về điều kiện sản phẩm an toàn; khuyến cáo danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong vùng sản xuất vải...
Thời điểm này, cây vải đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả non, đây là thời kỳ quan trọng, có vai trò quyết định năng suất và chất lượng quả. Huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, theo dõi để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bởi giai đoạn này, cây thường bị các đối tượng như: Bọ xít, sâu đo, sâu đục cuống quả, nhện lông nhung gây hại… Bên cạnh đó, các biện pháp tiến bộ kỹ thuật trong canh tác đã được áp dụng như: Tưới và bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sử dụng phân vi sinh; sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ ruồi hại quả; quản lý dịch hại theo phương pháp IPM; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý vùng trồng… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Xã Tam Đa hiện có 85ha chuyên canh vải VietGAP, tập trung chủ yếu ở thôn Tam Đa. Tại những mô hình trồng vải VietGAP, các chủ vườn đều ghi chép nhật ký canh tác đầy đủ quá trình bón phân, tưới nước, tên thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, trong đó chủ yếu là dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, được phép sử dụng trên rau, quả an toàn... Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Tam Đa, một trong những hộ gia đình áp dụng quy trình trồng vải hữu cơ từ năm 2018 cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi được tham gia các lớp tập huấn chăm sóc, cách nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho cây vải, hướng dẫn kỹ thuật tỉa tán, khoanh vỏ cây hãm lộc… Từ việc áp dụng quy trình kỹ thuật cho thấy, cây vải được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP có tán cây thoáng, ít sâu bệnh, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn. Những vụ vải gần đây, chất lượng quả vải của gia đình tôi cơ bản không còn tồn dư nấm bệnh hại, mã quả sáng đẹp hơn, thơm ngọt hơn, đặc biệt là không bị sâu đầu.
Đồng chí Doãn Thanh Luận, Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: Thời gian tới, để nâng cao chất lượng nhãn hiệu “Vải lai chín sớm Phù Cừ”, xã tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất vải theo quy trình VietGAP, lấy chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu.
Bà Đồng Thị Thu Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp xã Minh Tiến cho biết: Đến nay, HTX đang có khoảng 41ha sản xuất vải theo quy trình VietGAP. Để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng quả vải, an toàn trong khâu sản xuất và tiêu thụ, HTX tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất vải theo quy trình VietGAP. Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải, tăng cường tuyên truyền quảng bá nhãn hiệu, xúc tiến thương mại...
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ vải năm nay, tỷ lệ ra hoa, đậu quả tương đương năm trước, sản lượng quả vải tươi toàn huyện ước khoảng trên 10 nghìn tấn. Nhờ tích cực ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất vải an toàn, hữu cơ nên chất lượng vải hàng hoá trên địa bàn huyện ngày càng cao. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trồng vải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu vải...
Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tổ chức hội nghị tiêu thụ vải lai chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp, các siêu thị. Cùng với đó, trước khi vào vụ thu hoạch vải, lãnh đạo UBND huyện tổ chức làm việc với thương lái, đầu mối thu mua vải tại địa phương nhằm kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá; quản lý chặt chẽ các vấn đề về nhãn mác, bao bì sản phẩm nhằm xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, huyện yêu cầu các phòng chức năng, hướng dẫn người trồng vải tuân thủ quy trình sản xuất; tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm./.