Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Xúc tiến đầu tư Vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vùng Tây Nguyên, không chỉ về an ninh, chính trị, mà còn là kinh tế - xã hội.

Thủ tướng khẳng định, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng nổi trội, lợi thế khác biệt nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến Vùng chưa phát triển.

Đó là do hạ tầng chưa phát triển, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, nhất là về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục. Thứ hai là do thiếu nguồn lực, cả nguồn lực con người và nguồn lực tài chính.Thời gian qua, Tây Nguyên mới chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư Nhà nước, chứ nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự thiếu kết nối nội vùng, liên vùng, quốc tế cũng là nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra khiến toàn Vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với đó, chưa xây dựng được các thương hiệu tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Chính vì thế, theo Thủ tướng, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 23-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ, cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội để góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội vùng Tây Nguyên.

tt1-1674262383.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Nguyên phải tự lực tự cường đi lên, lấy nguồn lực bên trong là điểm tựa, nguồn lực bên ngoài là đột phá. Đồng thời, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là động lực cho sự phát triển. Tây Nguyên phải phát triển đột phá, bao trùm các đối tượng, ngành nghề, phát triển toàn diện nhưng phải bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Để khu vực Tây Nguyên phát triển, Thủ tướng chỉ đạo, trước tiên, phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách. Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho Tây Nguyên. Nhưng thể chế, chính sách cũng phải xuất phát từ thực tiễn, vì thế, các địa phương cần chủ động đề xuất, vướng gì, cần có cơ chế, chính sách gì để phát triển.

Nhấn mạnh vai trò của phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung phát triển các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục. Giao thông phát triển thì sẽ mở ra không gian phát triển mới. Trên cơ sở các trục giao thông, phát triển các hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam. Đặc biệt, trục Đông - Tây hiện nay còn yếu, nên cần tập trung đầu tư.

Thủ tướng chỉ rõ, phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển trường đại học, trường dạy nghề, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế rừng... Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển văn hóa, du lịch…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Mọi việc, phải bắt đầu từ công tác quy hoạch, bằng huy động các nguồn lực bên ngoài để triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án. Ngoài ngân sách Nhà nước, có thể phát triển các dự án hợp tác công - tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển kinh tế - xã hội phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân.

Thủ tướng nhắc lại, các nhà đầu tư đã hứa là phải làm, đã cam kết phải thực hiện; mà thực hiện phải có hiệu quả, hài hoà lợi ích. Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành theo thẩm quyền, sớm xử lý, tháo gỡ các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc các đại biểu đã nêu, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền; Chú trọng các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới; Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; không trông chờ, ỷ lại, lơ là, chủ quan; kiên định, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững.

Quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội cả nước.
Lan Hương