



Tiềm năng du lịch Hòa Bình: Mảnh đất đầy hứa hẹn đang xây dựng nền tảng vững chắc
Hòa Bình không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như hồ Hòa Bình, thác Thăng Thiên, mà còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Tày… Chính sự đa dạng này đã tạo nên một bức tranh du lịch phong phú, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, lượng khách du lịch đến Hòa Bình trong năm 2024 có mức tăng trưởng tốt. Tổng khách du lịch đến Hòa Bình là 4.506.099 lượt khách, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,9%, đạt 107,2% kế hoạch năm. Trong đó: Khách quốc tế: 534.148 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,6%, đạt 106,8% kế hoạch năm; khách nội địa 3.971.951 lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,3%, đạt 107,3% kế hoạch năm. Tổng thu du lịch đạt: 4.784 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,1%, đạt 104% kế hoạch năm.

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, những năm gần đây, du lịch tỉnh Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch khác nhau để phát triển du lịch.
Ngành du lịch Hòa Bình được chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, để du lịch phát triển một cách bền vững, tỉnh Hòa Bình đang tập trung vào các giải pháp đồng bộ như cải thiện và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đầu tư phát triển giao thông, các khu lưu trú, khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ hỗ trợ khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Mới đây, tỉnh Hòa Bình vừa tiếp nhận quản lý quốc lộ 6 và quốc lộ 15 đã triển khai và mở rộng, nâng cấp, giúp kết nối Hòa Bình với các tỉnh thành khác, thu hút lượng khách du lịch lớn hơn. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng khách sạn sinh thái, khu nghỉ dưỡng tại các khu vực ven hồ Hòa Bình đang được triển khai, đảm bảo các công trình này đều thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Trước đó, UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng - Văn hóa Mai Châu tại xóm Nhót, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty cổ phần phát triển địa ốc An Lạc tại Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cũng đã thông báo kế hoạch phát triển các khu nghỉ dưỡng xanh tại các địa phương có cảnh quan đẹp như Mai Châu, Lương Sơn, giúp du khách có thể tận hưởng thiên nhiên và trải nghiệm lối sống của người dân bản địa.
Phát triển du lịch bền vững cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường. Tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các khu vực du lịch sinh thái như rừng Thượng Tiến (Kim Bôi), rừng Pu Canh (Đà Bắc), Tòng Đậu (Mai Châu) hay các hồ, thác nước cũng đang được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nước và bảo tồn hệ sinh thái. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hòa Bình, trong năm 2024, tỉnh đã triển khai các chương trình giảm thiểu ô nhiễm, khuyến khích du khách tham gia bảo vệ môi trường như bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ động thực vật hoang dã…
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng triển khai các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường tới cộng đồng dân cư và du khách thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng, xây dựng các mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Các cơ sở lưu trú cũng được yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến.
Gắn kết du lịch với cộng đồng địa phương, tạo cơ hội phát triển bền vững
Một yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững chính là sự tham gia của cộng đồng địa phương. Hòa Bình là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với văn hóa đặc sắc, từ trang phục, ẩm thực đến các lễ hội truyền thống. Việc phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp hữu hiệu để tạo thu nhập cho người dân đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa địa phương.
Các chương trình như du lịch trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mường, Tày hay Thái, tham quan các bản làng và tham gia vào các lễ hội truyền thống đã thu hút rất nhiều du khách. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình, số lượng khách tham gia các tour du lịch cộng đồng tăng mạnh, đặc biệt là vào các dịp lễ hội mùa xuân. Các mô hình du lịch cộng đồng này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn nâng cao đời sống cho người dân, tạo công ăn việc làm và giảm nghèo bền vững góp phần xây dựng chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Trong các chiến lược phát triển du lịch, chiến lược quảng bá và hợp tác quốc tế để thu hút du khách từ khắp nơi cũng rất quan trọng vì thế Hòa Bình đang đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch. Các chiến lược quảng bá du lịch được thực hiện đồng bộ và bài bản, từ việc xây dựng hình ảnh du lịch Hòa Bình qua các kênh truyền thông quốc gia và quốc tế đến việc tham gia vào các hội chợ du lịch lớn. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình cũng đã kết hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các hội thảo và hội nghị về du lịch bền vững, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của Hòa Bình trên bản đồ du lịch thế giới.
Với những tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển bền vững đúng đắn, Hòa Bình đang trên đà trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện với môi trường hướng đến trở thành top tỉnh du lịch đứng đầu cả nước.
Hòa Bình – Điểm đến xanh, sạch và bền vững, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo trở thành một thiên đường du lịch bền vững, phát triển mạnh mẽ trong tương lai hướng tới mục tiêu năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 5.400 tỷ đồng./.