Theo đó, để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động (ATM), nhu cầu chuyển tiền, thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn và liên tục.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022, bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM ... giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM.
Đồng thời, có biện pháp ứng phó phù hợp đối với ATM tại các địa bàn có khả năng xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến hoặc các địa bàn không có ATM và chi nhánh ngân hàng, như tăng cường hoạt động ATM lưu động; chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý; triển khai giải pháp thay thế ATM, cung cấp thông tin, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM cũng như góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp...
Công văn cũng nêu rõ, thực hiện tốt phối hợp thu, chi ngân sách nhà nước vào các ngày cuối năm và hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng về quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật, đảm bảo việc phối hợp thu, chi ngân sách nhà nước được diễn ra an toàn, thuận lợi và chính xác..
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ Mobile-Money, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và liên tục. Các tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile-Money ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile - Money tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam, đặc biệt tại các địa bàn không có ATM và chi nhánh ngân hàng.
Đối với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm tra các phương án dự phòng, theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai sót, sự cổ đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện từ hoạt động ổn định, an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận, các vụ việc trên địa bàn có liên quan đến hoạt động thanh toán và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM trên địa bàn theo quy định./.