Hoàn thiện Mã vùng trồng - Củng cố giá trị “tấm hộ chiếu” cho nông sản Đắk Nông

Mã số vùng trồng (MVT) được xem là "hộ chiếu" để nông sản Đắk Nông xuất khẩu sang các thị trường lớn và mang lại giá trị kinh tế. Nhưng đến nay tỉnh mới chỉ xây dựng được 47 MVT, với 1.153ha diện tích.

MVT được xem như mã định danh cho một vùng trồng trọt. Nó có tác dụng giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc cũng như xác định quy trình sản xuất của nông sản. Hiện nay, việc mã hóa vùng trồng đem lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như chuẩn hóa quy trình chăm sóc cây trồng; cảnh báo dịch bệnh; ước lượng năng suất…

vuon-sau-rieng-cua-ong-nguyen-dinh-truong-o-xa-dak-wer-huyen-dak-rlap-san-xuat-theo-tieu-chuan-vietgap-1715770154.jpg
Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Đình Trường ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tiêu chuẩn cao nhưng rộng đường xuất khẩu

Hiện nay, MVT là yêu cầu bắt buộc phải có của nhiều thị trường xuất khẩu. Tại Đắk Nông, diện tích vùng trồng cây ăn trái được cấp MVT ngày càng nhiều. Điều này, không chỉ đi theo xu thế nâng cao chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu mà còn hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Đình Trường ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) đã hình thành vùng nguyên liệu sầu riêng 21ha. Sau khi xây dựng vùng nguyên liệu, ông Trường tiếp tục phát triển liên kết tiêu thụ sầu riêng. Trong quá trình tìm hiểu các thị trường, ông Trường nhận thấy sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, muốn bước vào thị trường Trung Quốc thì bắt buộc phải có MVT. Hiểu rõ điều này, ông Trường đã liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để được hướng dẫn cách thức xây dựng MVT. Năm 2023, vườn sầu riêng của ông Trường được cấp MVT, tạo bước đà thuận lợi hơn cho liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

thay-vi-dung-thuoc-bvtv-hoa-hoc-nguoi-dan-dung-bay-dan-du-con-trung-nguy-hai-de-bao-ve-vuon-sau-rieng-1715770179.jpg
Thay vì dùng thuốc BVTV hóa học, người dân dùng bẫy dẫn dụ côn trùng nguy hại để bảo vệ vườn sầu riêng.

Ông Trường cho hay, để có MVT thì ngoài quy mô diện tích, vùng sản xuất ông còn phải đáp ứng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình sản xuất, ông chỉ dùng các loại phân thuốc trong danh mục cho phép và đảm bảo các quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm. “Dù khắt khe, nhưng bù lại MVT giúp tôi liên kết với các doanh nghiệp thu mua dễ dàng hơn. Giá bán sản phẩm của vườn gia đình tôi cũng cao hơn so với mặt bằng chung thị trường”, ông Trường vui mừng cho hay.

Anh Phan Viết Cường ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) có 3ha với 500 cây sầu riêng giống thuần Monthong cũng đồng tình với quan điểm trên. Anh Cường cho biết mình áp dụng quy trình VietGAP vào chăm sóc vườn sầu riêng này. "Tôi thấy việc xây dựng MVT không khó. Vấn đề là phải thực hiện đúng theo những quy chuẩn một cách tự nguyện và nghiêm túc duy trì chứng nhận sau khi đã được cấp. Khi tuân thủ, sản phẩm chắc chắn sẽ rộng đường xuất khẩu với mức ngày càng tốt hơn”, anh Cường bày tỏ.

Thúc đẩy chuyên nghiệp hóa từ sản xuất đến đóng gói

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã thiết lập và xây dựng được 47 MVT với tổng diện tích 1.153ha. Trong đó, sầu riêng có 36 mã, khoảng 859ha cùng sản lượng tấn 15.180 tấn/năm; chanh leo 7 có mã, 96ha cùng sản lượng 3.440 tấn/năm; bơ có 1 mã, 10ha cùng sản lượng 450 tấn/năm; xoài cò 2 mã, 178ha cùng sản lượng 2.075 tấn/năm; bưởi có 1 mã, 10ha cùng sản lượng 50 tấn/năm. Các MVT chủ yếu được phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Singapore và Úc.

dak-nong-da-co-36-ma-vung-trong-sau-rieng-va-ngay-cang-duoc-mo-rong-1715769949.jpg
Đắk Nông đã có 36 mã vùng trồng sầu riêng và ngày càng được mở rộng.

Những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực thực hiện cấp, quản lý MVT, mã cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản. Mục đích là giúp nông dân mở đường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các nước trên thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế. Đồng thời, tỉnh còn tổ chức tuyên truyền - hướng dẫn người dân từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với các sản phẩm nông sản giàu tiềm năng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các chủ sở hữu MVT còn chủ động xây dựng liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh như siêu thị, chợ đầu mối, zalo, facebook, tiktok, sàn thương mại điện tử... MVT đã chứng minh được hiệu quả, giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân.

viec-cap-ma-vung-trong-o-dak-nong-hien-nay-gap-tro-ngai-chu-yeu-do-san-xuat-manh-mun-nho-le-chua-co-vung-nguyen-lieu-tap-trung-1715770102.jpg
Việc cấp mã vùng trồng ở Đắk Nông hiện nay gặp trở ngại chủ yếu do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu tập trung.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đắk Nông đánh giá: “MVT đã giúp thay đổi rõ rệt nhận thức của nông dân trong việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp. Người nông dân đã hình thành thói quen sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm các điều kiện để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”.

Anh Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân ở xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) cho biết MVT không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định mà còn từng bước chuyên nghiệp, chuẩn hóa hoạt động trồng trọt cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường. “MVT còn thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu hoặc tình trạng được mùa - mất giá, được giá - mất mùa", anh Tôn chia sẻ.

sau-rieng-dak-nong-duoc-cap-ma-vung-trong-deu-co-nhieu-co-hoi-xuat-khau-trong-nhung-nam-vua-qua-1715770024.jpg
Sầu riêng Đắk Nông được cấp mã vùng trồng đều có nhiều cơ hội xuất khẩu trong những năm vừa qua.

Tiếp tục mở rộng mã vùng trồng, ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, MVT và mã cơ sở đóng gói là 2 tiêu chuẩn rất quan trọng để tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường thế giới. Ngành Nông nghiệp rất quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chuẩn này nhằm mục tiêu nâng cao khả năng xuất khẩu cho các loại nông sản Việt Nam. “Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định về kiểm dịch thực vật đối với thị trường Trung Quốc, EU và các nước.”

Song song đó, ngành Nông nghiệp hiện nay cũng rất chú trọng đến việc thiết lập, xây dựng, giám sát MVT, mã cơ sở đóng gói đối với nhiều nhiều loại nông sản. Hàng năm, Sở NN-PTNT đều tổ chức đoàn giám sát đến các cơ sở vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hoạt động này giúp các tổ chức, cá nhân có MVT duy trì tốt các điều kiện canh tác, phục vụ xuất khẩu hiệu quả.

ong-nguyen-van-chuong-giam-doc-trung-tam-khuyen-nong-va-giong-nong-lam-nghiep-tinh-dak-nong-1715769968.jpg
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông, Lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết ngành Nông nghiệp của tỉnh đang tập trung công tác định hướng về dịch hại và dinh dưỡng trên cây trồng để đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.

"Đến năm 2023, Đắk Nông phấn đấu phát triển lên 648 MVT cho các cây trồng chủ lực và thế mạnh với tổng diện tích 9.920ha. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên cấp 148 MVT cho các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nguyên liệu lớn với tổng diện tích 7.420ha. Ngoài ra, tỉnh sẽ cấp khoảng 500 MVT khác cho các tổ chức, cá nhân, với diện tích khoảng 2.500ha trên tất cả các loại cây trồng", ông Chương cho biết thêm./.

Kiến Giang