Nuôi tôm công nghệ cao tránh rủi ro, nhưng mối lo rớt giá khiến nông dân thấp thỏm

Tỉnh Bến Tre đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghệ cao nhằm tránh rủi ro. Đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.430 ha, sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn. Tuy nhiên hiện giá tôm xuống thấp do xuất khẩu khó khăn khiến người nuôi tôm lo lắng.
nuoi-tom-cong-nghe-cao-3-1718765020.jpg
Hiện giá tôm xuống thấp do xuất khẩu khó khăn khiến người nuôi tôm lo lắng.(Ảnh minh họa)

Người nuôi tôm lo lắng vì giá sụt giảm

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 320ha trên tổng số 500ha của kế hoạch thả nuôi trong năm nay. Nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh hơn 3.430 ha, sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.

Ở thời điểm này, giá tôm thẻ loại 30 con/kg giá khoảng 110.000 đồng; tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ khoảng 70.000 đồng, giảm gần 50.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng trong khi đó giá thức ăn thủy sản liên tục tăng.

Với mức giá trên, người nuôi tôm ở Bến Tre không có lãi, thậm chí đối với những ao tôm tỉ lệ hao hụt cao ngư dân bị thua lỗ nặng. Nguyên nhân dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là do các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn, đầu ra chậm, chi phí lưu kho tăng đồng thời sản lượng tôm đang thu hoạch lớn.

nuoi-tom-cong-nghe-cao-1-1718765057.jpg
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. (Ảnh minh họa)

Với mức giá tôm không ổn định và ở mức thấp như hiện nay, ngư dân rất khó để mở rộng diện tích, ông Võ Văn Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, tôm đã vào vụ chính, hiện nay bà con ngư dân đang chuẩn bị các điều kiện xuống giống, đầu tư nuôi công nghệ cao.

“Mô hình nuôi tôm công nghệ cao là chính và bền vững, còn nuôi truyền thống gặp rủi ro nhiều hơn. Điều bất lợi cho người nuôi hiện nay là giá tôm rất thấp, khi bà con nuôi tôm rất cực, để có 1 mẻ tôm phải mất ăn mất ngủ, chi phí rất lớn nhưng giá đang rất rẻ”, ông Quân thông tin.

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, đến năm 2025 huyện được giao phát triển 1.500ha diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, địa phương đã vận động bà con phát triển được 1.247ha, đạt 83%. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu phát triển thêm 130ha, qua đó đã giao chỉ tiêu cho 9 xã có vùng nuôi. Kế hoạch năm 2025, tiếp tục phát triển thêm khoảng 123ha và hoàn thành chỉ tiêu được giao trong 6 tháng đầu năm.

Tìm giải pháp phát triển ngành tôm bền vững

Theo ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, trong năm 2024 huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm tại huyện đảm bảo bền vững, tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng.

Cụ thể, quan tâm xây dựng và phát huy chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, huyện tập trung phát triển đối với các vùng có cơ sở hạ tầng tốt để phát triển vùng nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, chế biến liên kết đầu vào, đầu ra giữa các doanh nghiệp và hộ nuôi.

Năm 2024, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền người nuôi phát triển tăng thêm 500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Ba Tri (70ha), Bình Đại (230ha) và Thạnh Phú (200 ha).

nuoi-tom-cong-nghe-cao-2-1718765000.jpg
Đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt hơn 3.430 ha, sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn. (Ảnh minh họa)

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Ngành tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) theo đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá định kỳ an toàn thực phẩm và kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống, ương dưỡng giống thủy sản.

Sở NN&PTNT tập trung phối hợp địa phương hỗ trợ công tác vận động, thành lập Hợp tác xã trong chuỗi giá trị tôm biển. Đặc biệt chú trọng đến các hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, hỗ trợ hướng dẫn hoạt động Ban Quản lý vùng nuôi tại các xã, thị trấn nhằm phát huy trách nhiệm cộng đồng quản lý tốt môi trường vùng nuôi không xả nước thải, chất thải và các bệnh nguy hiểm chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên. Phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu kết nối và xây dựng các vùng nuôi tôm theo các tiêu chuẩn đặt hàng của các nước nhập khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra cho người nuôi như BAP, ASC.../.

Bình Nguyên