Hậu Giang: Không chủ quan trong ứng phó với xâm nhập mặn

Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được dự báo không gay gắt như những năm trước, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé cũng được vận hành. Tuy nhiên ngành chức năng, người dân trong tỉnh không chủ quan trong phòng, chống để hạn mặn ảnh hưởng ít nhất đến đời sống và sản xuất.

*Xâm nhập mặn bớt gay gắt

Cuối năm 2021, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) được đưa vào vận hành giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho trên 380.000 ha đất tự nhiên ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu; góp phần phòng, chống xâm nhập mặn, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng; kết hợp phát triển giao thông bộ… Người dân các tỉnh trong vùng dự án bớt đi nỗi lo xâm nhập mặn hằng năm.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, hiệu quả của việc vận hành cống Cái Lớn – Cái Bé thể hiện rõ tại các địa phương chịu ảnh hưởng của chế độ triều biển Tây như huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh. Từ đầu tháng 2 đến nay, nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ dao động từ 0,2 - 6‰, trong đó, độ mặn cao trên 1,5‰ xuất hiện trên địa bàn xã Lương Nghĩa, xã Lương Tâm; tại thành phố Vị Thanh, độ mặn cao nhất ghi nhận được là 2,16‰ tại cống Kênh Lầu, tại các nơi khác độ mặn dưới 1‰.

Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh dự báo, từ 22/2 đến 4/3, trên sông Hậu, ảnh hưởng của triều biển Đông, độ mặn giảm sẽ không xâm nhập vào tỉnh. Đối với triều biển Tây, trên sông Cái Lớn, kênh Chắc Băng độ mặn cũng giảm so với tuần trước và xâm nhập nhẹ vào các sông, rạch trong tỉnh. Nồng độ mặn vượt mức 1,5‰ được dự báo xuất hiện tại ngã ba Nước Trong, kênh Mười Thước, phà Hỏa Tiến, cống Ba Cô, nhà thờ Tân Phú và Ủy ban nhân dân xã Lương Nghĩa.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, là địa phương nằm ở trung tâm của vùng Tây sông Hậu, có địa hình trũng thấp, lòng chảo, chịu ảnh hưởng của chế độ triểu biển Đông và triều biển Tây. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là một "siêu công trình thủy lợi" có quy mô rất lớn giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ.

Công trình đi vào vận hành đã tạo nên vùng hưởng lợi rộng lớn liên tỉnh trong đó có Hậu Giang. Nhờ kiểm soát tốt nguồn nước nên các hộ dân trong tỉnh an tâm sản xuất và có thể tính toán thêm các phương thức sản xuất thích hợp để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh như hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh (giai đoạn 2) và Hồ chứa nước ngọt đã hoàn thành góp phần ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô.

xam-nhap-man-17220-1645945179.jpeg
Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh TL

*Không chủ quan

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang nhận định, nồng độ mặn năm nay dù cao hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn thấp hơn các năm 2019 và 2020. Đồng thời, với việc đưa cống Cái Lớn – Cái Bé vào vận hành, hiện tại, xâm nhập mặn theo hướng biển Tây giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một hướng xâm nhập vào địa bàn là hướng triều biển Đông qua các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vào địa bàn huyện Long Mỹ. Thời gian tới, xâm nhập mặn từ triều biển Đông là hướng xâm nhập phức tạp nhất, ảnh hưởng đến huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, huyện Long Mỹ thông qua các tuyến sông cấp 2. Đặc biệt, vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 sẽ có một đợt xâm nhập mặn cao điểm.

Mặc dù tình hình xâm nhập mặn không gay gắt nhưng ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, tuyên truyền đến người dân từ đầu mùa khô. Qua đó, người dân rất chủ động chấp hành sự hướng dẫn của địa phương trong theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, áp dụng các giải pháp phòng, chống hạn mặn của hộ gia đình nhằm bảo vệ sản xuất.

Ông Quang Văn Em, trú tại ấp 5, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ, ông đang canh tác hơn 2 ha lúa Đông Xuân, thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện, ông cùng nhiều bà con tranh thủ bơm nước lên ruộng để vừa phục vụ kịp thời cho cây lúa sinh trưởng cũng vừa tích trữ nguồn nước ngọt để chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn theo dự báo.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng lúa, khóm, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ và xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, ngay đầu mùa khô, ông Nguyễn Khắc Vũ đã chủ động chuẩn bị các phương tiện bơm, tưới. Cũng như các năm trước, ông cho nạo vét ao, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu.

Ông Vũ nói: "Mấy năm nay, 1,5 ha đất lúa nằm trong khu vực có trạm bơm điện nên tôi rất an tâm về nguồn nước. Nhưng rẫy khóm gần 2 ha thì phải chủ động nguồn nước tưới nên trước khi bước vào mùa khô, tôi đã chủ động chuẩn bị máy bơm, nạo vét ao mương. Hiện nay, kênh mương đều đã được khai thông để trữ nước phục vụ tưới tiêu".

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 trạm đo mặn tự động giúp cập nhật tình hình xâm nhập mặn nhanh chóng, thường xuyên và thông báo sớm nhất đến người dân để chủ động ứng phó. Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng phối hợp với huyện Châu Thành thực hiện mô hình thủy lợi, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho vườn cây ăn trái từ nguồn vốn viện trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, tập trung đầu tư xây dựng cống, đập kết hợp với nạo vét kênh mương trữ ngọt, thực hiện vận hành đóng, mở cống bằng hệ thống tự động hóa.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, để ứng phó với hạn, mặn mùa khô, thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, mặn đã ban hành phù hợp điều kiện từng nơi; phân công cán bộ chuyên môn theo dõi, cập nhật diễn biến mặn hằng ngày để có thông báo kịp thời, phối hợp các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân chủ động bảo vệ sản xuất, sinh hoạt. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi để chủ động trong trữ ngọt, ngăn mặn; tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp chủ động vận hành đóng cống khi nồng độ mặn vượt 1,5‰, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, tính đến thời điểm này, nồng độ mặn tại các sông, kênh trong tỉnh thấp hơn năm 2019 và 2020 nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm nên ở các địa phương người dân không có tâm lý chủ quan dù đã có cống Cái Lớn – Cái Bé ngăn mặn từ hướng biển Tây. Từ đầu mùa khô, người dân đã chủ động đào ao, gia cố đê bao, chuẩn bị dụng cụ trữ nước ngọt. Tỉnh cũng vận động xã hội hóa hỗ trợ giếng bơm, dụng cụ chứa nước cho người dân vùng xâm nhập mặn.

Với quan điểm thích ứng với nguồn tài nguyên nước kể cả nước mặn, thời gian tới, Chi cục Thủy lợi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận để khai thác hết nguồn tài nguyên nước ngọt, mặn, lợ đảm bảo lợi ích cho người dân trên các vùng này./.