Hành động quyết liệt, quyết tâm gỡ 'Thẻ vàng' IUU trong năm 2024

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau đó là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi ngư dân.

Chiều 22/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng diễn ra hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

hoi-nghi-go-the-vang-thuy-san-02-1713789298.jpg
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, dự và phát biểu tại hội nghị. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Lê Minh Hoan.

Phát biểu tại hội nghị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng: "Chỉ thị 32 đã xác định rõ nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài để phát triển bền vững ngành thủy sản nước ta. Do đó, nếu chúng ta không gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” thì sản phẩm thủy sản vào Châu Âu bị kiểm soát nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhận định, nếu chỉ 1 trong số 28 tỉnh, thành làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc gỡ cảnh báo chung cả nước. Nếu vẫn còn “Thẻ vàng” sẽ tác động đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, đến hoạt động của 82.000 tàu cá cùng với cuộc sống mưu sinh của hàng triệu ngư dân".

hoi-nghi-go-the-vang-thuy-san-03-1713789331.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhìn nhận, thời gian qua, các địa phương đã hành động ngày càng mạnh mẽ hơn, sát sườn, thiết thực hơn trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Trên tinh thần này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau đó là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi ngư dân.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên báo cáo Ban Bí thư những đơn vị làm tốt, chưa làm tốt để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó. Đồng thời, kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt, nhắc nhở những đơn vị chưa làm tốt để qua đó vừa bảo vệ quyền lợi của ngư dân nhưng cũng động viên họ vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trình bày Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề cập đến một loạt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đến tháng 5 năm 2024 trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU.

Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật.

hoi-nghi-go-the-vang-thuy-san-04-1713789281.jpg
Nếu vẫn còn “Thẻ vàng” sẽ tác động đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. (Ảnh minh họa)

Đề cập về giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và cho biết cơ quan này đang chuẩn bị kĩ lưỡng cho đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu, dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 5 tới đây./.

Bình Châu