Hàng Việt Nam ngày càng đa dạng và được lựa chọn vì phù hợp túi tiền

Người tiêu dùng hiện nay rất phấn khởi vì chất lượng hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn rất nhiều và đa dạng về mẫu mã sản phẩm, giá thành cũng khá hợp lý phù hợp với túi tiền.
hang-viet-nam-01-1707813135.jpg
Thị trường Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ. (Ảnh minh họa)

Hàng Việt chiếm ưu thế trên quầy hàng Tết

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thay vì lựa chọn bánh mứt, kẹo ngoại nhập, nhiều người tiêu dùng lại ưu tiên lựa chọn các đặc sản trong nước. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, ở kênh bán lẻ hiện đại, tỷ lệ hàng Việt bày bán tại siêu thị, cửa hàng của các doanh nghiệp trong nước hiện hơn 90%, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài từ 60% - 96%. Ở kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tạp hóa cũng chiếm từ 60% trở lên. Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sức mua hàng Việt ngày càng tăng cao, có hơn 90% người tiêu dùng cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt khi đi mua sắm; 75% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt…

Thành quả đáng tự hào này là kết quả nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp, trong đó có vai trò tiên phong của những hệ thống phân phối, bán lẻ, điển hình là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op. Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực Miền Bắc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM cho biết: “Đơn vị bán lẻ có những bước chuyển mình để phù hợp nhất.

Thứ nhất là lựa chọn kênh bán lẻ phù hợp. Thứ hai là đa kênh bán hàng, không phải phục vụ riêng cho những đối tượng mà trước đây đã phục vụ, bây giờ có những thế hệ mới, các bạn có những nhu cầu khác phải thay đổi cho kịp thời.

Thứ ba, các doanh nghiệp cân đối các danh mục sản phẩm. Ví dụ như là bây giờ mua hàng không những thiết yếu mà thiết yếu trong thiết yếu, do vậy, Saigon Co.op phối hợp với nhà sản xuất công tác chuẩn bị, thực hiện một số công tác bình ổn. Không riêng Saigon Co.op, các đơn vị khác cũng có những hình thức thay đổi để làm sao phù hợp”.

hang-viet-nam-02-1707813176.jpg
Nhiều người tiêu dùng lại ưu tiên lựa chọn các đặc sản trong nước. (Ảnh minh họa)

Chính sách hỗ trợ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Cùng đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hàng Việt Nam cũng được triển khai đa dạng và hiệu quả. Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ban hành Kế hoạch số 710 về Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023.

Mục đích của Kế hoạch, thông qua các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương về các nội dung Cuộc vận động theo Thông báo 264 ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 03 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

hang-viet-nam-03-1707813122.jpg
Tỷ lệ hàng Việt bày bán tại siêu thị, cửa hàng của các doanh nghiệp trong nước hiện hơn 90% ở kênh bán lẻ hiện đại.(Ảnh minh họa)

Theo Kế hoạch, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tập trung vào 5 trọng tâm sau:

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các trụ cột: Đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; có cơ chế chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế để kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam; Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau...

Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu đúng và nâng cao trách nhiệm thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chuyển đổi số và khai thác có hiệu quả các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Chương trình “Make in Việt Nam”, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”...

Ba là, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. Tổ chức các hình thức bình chọn sản phẩm chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh và phân phối.

Bốn là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra: Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Năm là, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Thường xuyên thông tin về các thương hiệu quốc gia, các nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với chương trình “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; tổ chức giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp, làng nghề của địa phương.

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Doanh thu kênh bán lẻ tạp hóa của Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029 dự báo tăng trưởng bình quân 6,3%, trong đó chuỗi đại siêu thị, siêu thị, minimart và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng khoảng 9,6%. Những yếu tố này đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ, đồng thời đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước cho hàng Việt Nam chất lượng toàn cầu, hàng Việt Nam có chất lượng quốc gia và thương hiệu quốc gia./.

Bình Châu