Thị trường nội địa dự báo sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025
Thị trường nội địa dự báo sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025, không chỉ là cơ hội cho các nhà bán lẻ mà còn là cơ hội để hàng Việt nâng cao vị thế của mình ngay tại “sân nhà”.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy sau 15 năm (từ năm 2009) thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh. Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy hàng Việt Nam được trưng bày tại hệ thống quầy, kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và chiếm tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập, trong đó, thực phẩm chiếm đa số.
Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán hàng đánh giá, sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua đạt 80%, có thương hiệu uy tín đạt 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại đạt 47%, giá bán cạnh tranh đạt 39%. Trên 50% số người được hỏi đánh giá, doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Điều này cho thấy, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận, sử dụng hàng Việt.
Không chỉ nông sản, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng "made in Việt Nam" như may mặc, thời trang, đồ điện tử… cũng đang dần khẳng định vị thế ngay trên sân nhà.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã xây dựng phân khúc sản phẩm và đối tượng khách hàng riêng, từ đó dần tạo ra giá trị và khẳng định vị trí trên thị trường thời trang nội địa, như: Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, Tổng Công ty May Nhà Bè, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội…
Các chuyên gia nhận định, thị trường nội địa với quy mô khoảng 180 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tiếp theo không chỉ là cơ hội cho các nhà bán lẻ mà còn là cơ hội để hàng Việt nâng cao vị thế của mình ngay tại “sân nhà.”
Người tiêu dùng nội địa là ‘phép thử’ tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh
Chính vì vậy, không còn những quan niệm hàng xuất khẩu chất lượng cao hơn, tốt hơn hàng tiêu dùng trong nước. Bởi theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, chính người tiêu dùng nội địa là ‘phép thử’ tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác. Do đó, hàng bán ra nước ngoài thế nào, thì bán trong nước phải y như vậy, thậm chí phải tốt hơn. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng.
Cũng chính nhờ sự nhanh nhạy đó, hàng Việt đã trở thành sản phẩm quen thuộc trong các “giỏ hàng” nhờ chất lượng, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú, đa dạng.
Có được kết quả này, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, chiếm lòng tin người tiêu dùng, thời gian qua doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sự bứt phá trong việc nâng chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại, bao bì... quan trọng hơn cả là giá bán ngày càng cạnh tranh với hàng ngoại.
“Hàng Việt ngày càng có lợi thế nhờ đáp ứng được cả ba yếu tố như giá cả cạnh tranh, chất lượng cải thiện và mẫu mã phù hợp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc ưu tiên hàng Việt không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước”, bà Hậu nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh đánh giá, trong những năm qua, nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, giá thành hợp lý… do đó, hàng Việt được đông đảo người dân lựa chọn và tin dùng.
Tuy vậy, để nâng cao vị thế của hàng Việt trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, trước hết, cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, tập trung xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả, đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn.
Đồng thời, các chuyên gia khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, từ đó có xây dựng được những kế hoạch - chiến lược hiệu quả, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị.
Có thể thấy, cùng với sự đồng hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các thương hiệu hàng đầu của Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, mà còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam./.