Văn hóa tiêu dùng từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại.
4-1720312788.jpg
Sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã thay đổi tư duy mua sắm của người đân.

Ngày 6/7/2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2024.

Theo đó, qua 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa” đã được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể và đông đảo các doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định năng lực sản xuất, kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Thanh Hóa.

Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong tỉnh, trong nước. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp và giới kinh doanh nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp, vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Ban chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức, sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân, làm thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên thị trường nội địa, định hướng người tiêu dùng để tăng sức tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Việc tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong tỉnh tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương trong tỉnh được ban chỉ đạo các cấp quan tâm.

Kênh phân phối hàng Việt ở các địa phương đã góp phần đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả hơn tinh thần của cuộc vận động trong thời gian tới, như: Triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thị trường tiêu thụ, quảng bá, tôn vinh nông sản; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc với công tác tuyên truyền, vận động xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”; đa dạng, nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng Việt Nam để tăng sức cạnh tranh trên thị trường...

Cũng tại hội nghị, 20 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2009-2024 được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen./.

Hà Khải