Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, tỉnh Lai Châu hiện có gần 900 loài dược liệu, trong đó nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng có một số cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là hơn 17.800 ha, gồm các loại cây như: quế, sơn tra, sa nhân, thảo quả, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đương quy...
Đối với cây quế, sơn tra, người dân thực hiện trồng theo Đề án của tỉnh phê duyệt. Các loại dược liệu khác, người dân tự đầu tư trồng hoặc tỉnh hỗ trợ theo các chương trình, dự án trồng sa nhân, bảy lá một hoa, sâm Lai Châu, được trồng ở nhiều địa phương, như Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường… đang được cơ quan chuyên môn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh sản xuất theo quy trình canh tác mới, hướng tới sản phẩm đạt chất lượng tốt.
Huyện Sìn Hồ nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu. Thông qua những chính sách hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích trồng dược liệu ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Một số giống cây dược liệu đang được huyện Sìn Hồ chú trọng phát triển như: Sâm đương quy, sâm Lai Châu, atisô... Nhờ thu nhập từ dược liệu, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Đinh Danh Phương ở bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn có hơn 2ha đất sản xuất, ông đã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây kém hiệu quả sang các loại cây dược liệu cho kinh tế cao. Ông còn nghiên cứu ươm, gieo thành công cây giống sâm đương quy để cung cấp cho người dân trong vùng. Hằng năm, gia đình ông Phương thu lãi hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 3-4 người, thời vụ cao điểm lên đến 25-30 người, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
“Tôi là một trong những người đầu tiên trồng dược liệu trong xã, các sản phẩm dược liệu này đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô hay các cây hoa màu khác và được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong, ngoài tỉnh, giúp người dân có thu nhập ổn định. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu đem lại, nhiều người dân trong xã mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn”, ông Đinh Danh Phương cho biết.
Hiện huyện Sìn Hồ có hơn 600ha trồng cây dược liệu các loại. Loại cây này đang thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Sìn Hồ xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương.
Ông Vương Thế Mẫn, Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có những cây như thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, sa nhân tím và nhiều loại cây dược liệu khác. Đây là lợi thế và cũng là sản phẩm cần phải phát triển để đem lại lợi ích cho bà con nhân dân. “Ngành chức năng chú trọng sản phẩm OCOP trên địa bàn và đang xây dựng thương hiệu để tạo uy tín đối với sản phẩm, từ đó tìm thị trường đầu ra cũng như tạo giá trị đặc biệt đối với cây thảo dược của tỉnh Lai Châu”, ông Mẫn thông tin.
Với trên 2/3 diện tích tự nhiên là rừng, đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, mảnh đất biên giới Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được đánh giá là tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu quý hiếm. Để các loài cây dược liệu trở thành hàng hóa chất lượng cao, cơ quan chức năng địa phương đã tập trung hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Tại các địa phương cũng lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sự nghiệp khoa học… để giúp bà con phát triển cây dược liệu, mang lại thu nhập cao.
Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu cho biết, hiện nay một số vùng phát triển cây dược liệu như cao Sìn Hồ đã hình thành một số sản phẩm để đưa ra thị trường và đưa vào đánh giá, phân hàng đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ví dụ như cây Atiso, giảo cổ lam, chè dây, thuốc phong tê thấp... Tỉnh đang hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho bà con để thúc đẩy phát triển sản xuất.
Hiện Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm. Hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống. Hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết./.