Trung bình Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP.HCM là địa phương hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết ước tính kiều hối về TP.HCM trong cả năm 2024 đạt khoảng 9,6 tỷ USD, tăng thêm khoảng 140 triệu USD so với năm 2023. Trong đó, kiều hối về thông qua các công ty kiều hối chiếm hơn 74% tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố và phần còn lại (gần 25%) đi qua các tổ chức tín dụng.
Các khu vực gửi về TP.HCM cho thấy, châu Á chiếm cao nhất, đến 53,8% tổng lượng kiều hối năm 2024, tăng hơn 24% so với năm 2023. Lượng kiều hối về từ châu Đại Dương tăng 20%, châu Mỹ tăng 4,4% nhưng châu Âu giảm 19,1% so với năm 2023.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và các hoạt động thiện nguyện khác ở quê hương. "Hơn 421 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42 trong 63 tỉnh thành, cùng nguồn kiều hối dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024 là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nói.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 11 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 lao động, vượt mục tiêu đưa từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của cả năm. “Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng thêm nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm nay,” Giám đốc một công ty kiều hối cho hay.
Những chính sách kỳ vọng sẽ thu hút lượng kiều hối hiệu quả hơn
Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… là chính. Điều này đã đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.
"Nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Trong số đó, dòng tiền chuyển về đầu tư chiếm tỷ trọng cao càng cho thấy môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam khá hấp dẫn. Đặc biệt, với việc luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 vừa qua cho phép kiều bào về đầu tư, kinh doanh bất động sản như người dân trong nước thì dòng kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng," chuyên gia Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng.
Luật Đất đai sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản mới đều có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam định cư sinh sống ở nước ngoài. Người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (người còn quốc tịch Việt Nam) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về nhà ở như công dân trong nước.
Bên cạnh đó, bà con Việt kiều sẽ được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Như vậy, Việt kiều sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
Các chuyên gia cũng đánh giá, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều, không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Không những thế, kiều hối chuyển qua kênh các ngân hàng thương mại còn giúp chính các ngân hàng này gia tăng tiếp cận các hộ gia đình, trên cơ sở đó sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối.
Ông Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư VN - Hàn Quốc, đánh giá trong những năm gần đây, lượng kiều hối về nước luôn dao động trong khoảng 15-16 tỉ USD. “Điều đó thể hiện tình cảm, sự quan tâm của kiều bào với quê hương ngày càng lớn” - ông Linh nói.
Nhìn lại những thành tựu của đất nước, TS Lê Thị Anh Nhàn, kiều bào Úc, ĐH Quốc gia Úc, cho rằng đó là “hữu xạ tự nhiên hương”. TS Nhàn lý giải khi VN nổi bật lên thành một nền kinh tế mới nổi thì tự động sẽ thu hút kiều bào quay về đầu tư.
“Khi nói riêng về chính sách cho kiều bào thì chúng ta nên có thêm thông tin về những chính sách chung của nền kinh tế VN” - TS Nhàn đề xuất và cho rằng đây là những chính sách nền tảng, giúp tạo niềm tin cho kiều bào về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, giúp thu hút nguồn lực này tốt hơn.
Ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, nhìn nhận trong những năm trở lại đây, các chính sách thu hút nguồn lực kiều bào, trong đó có nguồn kiều hối đã có nhiều cải thiện.
Một trong những điểm nhấn là cải thiện hệ thống ngân hàng, cho phép kiều bào mở tài khoản để chuyển trực tiếp USD về nước. Ngoài ra, công nghệ thông tin phát triển cũng giúp việc chuyển kiều hối về dễ dàng hơn.
“Tôi cho rằng giai đoạn tới cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chính sách để kiều bào hiểu được việc chuyển kiều hối về nước rất đơn giản, minh bạch để mọi người an tâm. Bên cạnh đó, cần cải thiện dịch vụ ngân hàng để ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn, giảm các thủ tục chứng từ…”, ông Danny gợi mở./.