Tái chế rác thải - Chìa khóa cho tăng trưởng xanh và bền vững

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức về môi trường ngày càng gia tăng, Việt Nam đang đối diện với một cơ hội vàng đó là phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải. Nền kinh tế xanh không chỉ là xu hướng tất yếu của thế giới, mà còn là con đường bền vững mà Việt Nam cần phải theo đuổi. Với tốc độ phát triển chóng mặt và lượng rác thải ngày càng gia tăng, tái chế rác thải đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của quốc gia.
tai-che-rac-thai-1723225059.jpg
Tái chế rác thải không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một cơ hội kinh tế lớn ở Việt Nam. Ảnh minh họa.

Ngành tái chế rác thải tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ nhiều phía, góp phần tạo nên một làn sóng chuyển dịch xanh tích cực. Minh chứng cho điều này là sự kiện kỷ niệm 3 năm thành lập của Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA) với chủ đề "Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam" vừa diễn ra vào ngày 9/8. Sự kiện thu hút hơn 300 khách mời đến từ các Bộ ban ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng nhau thảo luận về chính sách, cơ hội đầu tư và xúc tiến thương mại trong ngành tái chế.

Đặc biệt, sự kiện còn có sự hiện diện của Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc, người đại diện cho phong trào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự tham gia của cô không chỉ tạo thêm sức hút cho sự kiện mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của tái chế rác thải trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

le-kn-thanh-lap-hoi-tai-che-1723225136.jpg
Sự kiện kỷ niệm 3 năm thành lập của Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tái chế rác thải không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một cơ hội kinh tế vô cùng lớn. Ở nhiều nước phát triển, tái chế đã trở thành tiêu chí bắt buộc đối với nhiều sản phẩm, mở ra triển vọng cho Việt Nam trở thành một "recycling hub" trong khu vực.

Chính phủ Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích tái chế, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Quỹ đã dành ra hơn 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án tái chế, thu gom, xử lý chất thải và phát triển năng lượng xanh. Với lãi suất ưu đãi chỉ 2,6%/năm và thời gian cho vay lên tới 10 năm, Quỹ đã hỗ trợ cho 79 dự án với tổng số vốn giải ngân trên 1.300 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiên phong trong ngành tái chế.

z5716160784017-25130d47d0ffb844198b9d072626a313-1723225162.jpg
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại sự kiện.

Theo bà Phan Tùng Chi, đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), chia sẻ trong phiên tham luận tại sự kiện, trong ngành tái chế, nhựa và dệt may được xem là hai lĩnh vực có tiềm năng phát triển vượt trội. Việt Nam đã đạt được trình độ tái chế nhựa khép kín từ "chai đến chai" (bottle to bottle), nhưng ngành dệt may vẫn đang tìm kiếm những công nghệ tiên tiến để đạt được quy trình tuần hoàn tương tự.

Việc đầu tư vào công nghệ tái chế dệt may từ "sợi sang sợi" (fiber to fiber) không chỉ là vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, mà còn là một cuộc đua toàn cầu giữa các quốc gia. Việt Nam cần đẩy mạnh nỗ lực trong việc phát triển ngành tái chế dệt may để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đồng thời góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

Để ngành tái chế phát triển mạnh mẽ và bền vững, việc kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Hiệp hội VWRA đã và đang nỗ lực tạo điều kiện cho các thành viên kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, và hợp tác để cùng phát triển.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự nỗ lực không ngừng của Hiệp hội, và sự chung tay của các doanh nghiệp, ngành tái chế kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một Việt Nam xanh, bền vững và phát triển thịnh vượng./.

Lê Thuận - Lê Thu