Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố vượt trên 87.500 tỷ đồng
Theo Cục thống kê Thành phố Hải Phòng, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2024 ước tăng 9,77% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2024 tăng 11,50%-12%), đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,88%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,09%, đóng góp 6,63 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,94%, đóng góp 2,89 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,8%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 9/2024 ước đạt 7.518,6 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 1.689,3 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.829,2 tỷ đồng. Ước 9 tháng năm 2024 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 87.540,7 tỷ đồng, đạt 82% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 133,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 9/2024 ước đạt 4.176,1 tỷ đồng. Ước 9 tháng/2024 tổng chi ngân sách địa phương đạt 21.543,9 tỷ đồng, đạt 54,17% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 104,34% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê cũng cho biết, tính đến ngày 20/9/2024 Hải Phòng có 985 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 31 tỷ USD. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1.717,22 triệu USD, trong đó:
Vốn đăng ký cấp mới có 83 dự án đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 426,05 triệu USD. Trong đó, cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 45 dự án, đạt 371,36 triệu USD, (chiếm 87,16%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 38 dự án đạt 54,69 triệu USD (chiếm 12,84%).
Vốn đăng ký điều chỉnh có 52 dự án, với số vốn tăng là 871,08 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 41 dự án, vốn đầu tư tăng là 816,15 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 54,93 triệu USD.
Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 33 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 420,09 triệu USD. Trong khu công nghiệp, khu kinh tế: 04 lượt, vốn đầu tư đăng ký 15,52 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 19 lượt, đăng ký 404,57 triệu USD, trong đó: Nhà đầu từ NVY Co., Ltd (Nhật Bản) mua cổ phần trong Công ty CP Phát triển NVY Việt Nam với giá trị cổ phần 397,75 triệu USD.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến ngày 30/9/2024, vốn đầu tư công thành phố giao đã giải ngân 8.887,632 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019,2 tỷ đồng), bằng 44% kế hoạch thành phố giao (19.972,7 tỷ đồng).
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 147,563 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20%; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân là 8.740,068 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45% kế hoạch thành phố giao.
Nếu so sánh tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, Hải Phòng đứng thứ 27 toàn quốc (tăng 4 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, giảm 1 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên bậc so với tháng 8/2024).
Nếu so sánh tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn các địa phương giao, Hải Phòng đứng thứ 33 toàn quốc (tăng 2 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, tăng 1 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên bậc so với tháng 8/2024).
Nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để nối dài đà tăng trưởng
TP Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 với mức độ thiệt hại lớn, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng. Thành phố dự kiến dành trên 1.200 tỷ đồng từ các nguồn dự phòng ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên và chi đầu tư công, quỹ dự trữ tài chính để khắc phục các thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đến nay, cơ bản hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố đã được khôi phục, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đến ngày 10/10, đa số các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đã hoạt động bình thường trở lại sau bão Yagi. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tích cực phối hợp với các sở ngành của thành phố và các cơ quan, đơn vị như: Cục Hải quan, Cục Thuế Hải Phòng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, sản xuất.
Để hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đề ra, Hải Phòng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ 7 nội dung trọng tâm. Cụ thể, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; Dự án xây dựng các bến số 9, 10, 11, 12 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch huyện; 05 dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (Tràng Duệ 3; Nam Tràng Cát; Giang Biên 2; Vinh Quang; Nhật Bản - Hải Phòng (Nomura).
Bộ Công Thương sớm nghiên cứu xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Vùng Đồng bằng sông Hồng đặt tại TP Hải Phòng. Đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua các đề án, nghị quyết về: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong đó đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn và thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng để triển khai Nghị quyết số 45, Kết luận số 96 của Bộ Chính trị; Tổ chức chính quyền đô thị; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành quận.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực sớm chấp thuận gia hạn Dự án Trung tâm hội nghị, thương mại và du lịch quốc tế (Dự án Casino Đồ Sơn) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đối với Cảng Nam Đồ Sơn TP Hải Phòng sẽ đầu tư tuyến đường sau cảng. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thực hiện Dự án nạo vét luồng vào cửa sông Văn Úc.
Đối với Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua TP Hải Phòng và 9 km đi qua tỉnh Thái Bình. TP Hải Phòng đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách Trung ương cho tỉnh Thái Bình để đầu tư đoạn 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để tăng mức hỗ trợ.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Chính phủ với Thành phố Hải Phòng vào ngày 8/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao Hải Phòng trong công tác phòng chống cũng như khắc phục thiệt hại do Bão số 3 gây ra. Biểu dương Hải Phòng thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, dành nguồn lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra, giúp quá trình hồi phục nhanh chóng. Đối với các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ủng hộ và yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện có hành lang pháp lý để thành phố triển khai, trở thành cú hích, giúp thành phố bứt phá trong nhiệm kỳ tới. Đề án về chính quyền đô thị của thành phố, Chính phủ đã trình Quốc hội.
Đối với kiến nghị của Hải Phòng về đường ven biển, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu thêm để dự án trở thành đường cao tốc toàn tuyến thì mới phát huy được tối đa hiệu quả. Đồng thời, đánh giá tích cực về các kết quả của Hải Phòng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nông thôn mới và phát triển nhà ở xã hội phục vụ việc di dời 41 chung cư cũ, cấp độ D. TP Hải Phòng cần tăng tốc để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng hai con số, giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra./.