Ngày 5/10, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp FDI đồng hành cùng TP Hải Phòng: Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; kết nối chuỗi cung ứng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có: Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Các Ủy viên Ban thường vụThành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố.
Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đậu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng hơn 500 đại biểu doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Tham gia ý kiến trực tiếp tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Thường trực Thành uỷ. Đồng thời, nêu một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực: Cảng biển, logistics; chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo lao động chất lượng cao; thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài; kết nối cung cầu, tạo chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; cấp phép cho người lao động nước ngoài… đề nghị thành phố trao đổi, giải quyết.
Trong đó, đề nghị thành phố thông tin tiến độ triển khai Khu Kinh tế phía Nam Hải Phòng, định hướng phát triển hạ tầng cảng biển trong thời gian tới; định hướng và giải pháp để nâng cao chất lượng nhân lực đối với ngành điện tử, bán dẫn, từ đó, đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin;
Tiếp tục có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thủ tục thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp liên doanh, trong đó có Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư;
Sớm triển khai xây dựng và hoàn thành cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, kho hàng hóa tại sân bay Cát Bi để tăng tốc độ vận tải, dịch vụ logistics cũng như thời gian thông quan hàng hóa; có thêm các ưu đãi, các điều kiện bổ sung để người lao động dễ dàng hơn trong việc mua nhà ở xã hội; xem xét các biện pháp phòng, chống thiên tai để hạn chế thiệt hại sau bão…
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng và các sở, ngành của thành phố đã trực tiếp đối thoại, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một số ý kiến liên quan đến các quy định của luật pháp, Thường trực Thành ủy Hải Phòng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát, kiến nghị với Trung ương nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, lãnh đạo Thành phố cam kết luôn đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI. Thực hiện cam kết này, Thành phố cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các KCN, KKT, đặc biệt là thành lập KKT ven biển phía Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông, hệ thống cảng biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề.
"Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng, về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, về lao động, phòng cháy chữa cháy và các thủ tục hành chính. Giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng cơ chế một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện các thủ tục của dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều lần, nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục của dự án tại thành phố", ông Lê Tiến Châu nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng về bối cảnh quốc tế và trong nước, cùng một số định hướng chính trong thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian tới.
Ông Trần Quốc Phương cũng đánh giá cao việc lãnh đạo TP Hải Phòng thẳng thắn đối thoại với các doanh nghiệp; đồng thời nhấn mạnh Hải Phòng và một số khu vực trọng điểm khác sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp toàn cầu với thị trường Việt Nam.
"Thời gian vừa qua, Hải Phòng đã rất chủ động, sáng tạo, có những đột phá, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng là một địa phương tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, thành phố cũng đã xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Phương cho biết./.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 985 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tỷ lệ trên 83% về số vốn đầu tư; các dự án đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 14% về số vốn đầu tư; số còn lại là các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, khai khoáng.