Hà Tĩnh: Tiêu hủy trên 46 nghìn dụng cụ bẫy bắt chim trời

Lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh đã tháo dỡ, tiêu hủy trên 46.000 dụng cụ bẫy bắt chim di cư mùa mưa bão.
460937998-2623101147890794-1830672706804066294-n-1727482594.jpg
Hà Tĩnh ra quân xử lý và xử lý hàng loạt dụng cụ săn bắt chim trời mùa di cư.

Là địa phương có đường bờ biển dài, có nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển nên số lượng chim di cư về tránh trú trong mùa mưa bão khá nhiều, nên người dân ở đây thường làm bẫy để đánh bắt chim trời trái phép.

Trước tình trạng săn bắt chim di cư trái phép trong mùa mưa bão tại tỉnh Hà Tĩnh, gây tận diệt các loài chim tự nhiên, ảnh hưởng lớn môi trường sinh thái và tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng phòng hộ ven biển.

461178724-2623101057890803-2055275253982409282-n-1727482600.jpg
Các thiên la địa võng để dụ bắt chim trời tại Hà Tĩnh.

Để tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim di cư tự nhiên, thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tại Hà Tĩnh tăng cường tổ chức các cuộc tuyên truyền và ra quân xử lý bẫy đánh bắt chim hoang dã trái phép trên địa bàn.

Qua kiểm tra lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ và xử lý thả về tự nhiên nhiều chim mồi sống, tháo dỡ, thu gom, tiêu hủy hàng ngàn que nhạ, mồi nhử bằng xốp, cùng nhiều dụng cụ đánh bắt chim trời trái phép...

461109166-2623100324557543-1554954649738553992-n-1727482607.jpg
Ở các cánh rừng ven biển, người dân làm bẫy để dụ bắt chim trời.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, sau nhiều đợt ra quân truy quét quyết liệt, đơn vị đã phát hiện, tịch thu, tiêu hủy 46.181 dụng cụ, thiết bị dùng để bẫy bắt chim di cư tự nhiên trong mùa mưa bão.

Trong đó có 3.538 con chim giả; 7.980  m2 lưới đánh bắt; 34.468  que nhạ (keo bẫy chim siêu dính); 11 máy phát tín hiệu, loa, ắc quy; tháo dỡ 184 lùm lán ẩn nấp, thả vào môi trường tự nhiên 188 cá thể chim mồi còn sống.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc đấu tranh, ngăn chặn săn bắt chim di cư mùa mưa bão được thực hiện theo Chỉ thị số 04 /CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Qua đó, góp phần bảo vệ sự sinh trưởng, phát triển của các loài chim hoang dã, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

460994000-2623100751224167-1305672946532707021-n-1727482613.jpg
Lực lượng chức năng tiêu hủy các dụng cụ bẫy, dụ để bắt chim trời.

Việc tuyên truyền, xử lý hành vi trên nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán, săn bắt chim trời trên địa bàn.

Thời gian tới, tại các địa phương tại Hà Tĩnh sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm nạn săn bắt động vật hoang dã, chim trời, chim di cư về trên địa bàn, bảo vệ môi trường sinh thái./.

Nguyễn Duyên