Trong hành trình Xuyên Việt Farmstay hướng về Hội nghị bàn giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư Bất động sản phục vụ Du lịch Nông nghiệp Việt Nam, Đoàn Xuyên Việt Farmstay với đại diện là Viện kinh tế và Du lịch nông nghiệp, Trung tâm phát triển Bất động sản (RED Center) đã phối hợp Sở Văn hóa thông tin và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức talkshow “Du lịch Nông nghiệp - sức bật mới cho ngành Du lịch tỉnh Hà Tĩnh”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Chúng tôi ấn tượng và hiểu thêm về giá trị gợi mở cho phát triển kinh tế tỉnh Hà Tĩnh từ những chia sẻ về mô hình Du lịch Nông nghiệp và các mô hình Du lịch Nông nghiệp mẫu thành công. Hiện nay, Hà Tĩnh nắm giữ nhiều tiềm năng về các điểm du lịch sinh thái, hệ thống giao thông hạ tầng, các chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn,... Thời gian sắp tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP và trải nghiệm đặc trưng cho du khách, tạo điều kiện cho người dân đi học làm du lịch, đưa ra các chính sách hỗ trợ, quy hoạch các tour - tuyến - điểm du lịch trên địa bàn huyện,... để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh đang có rất nhiều tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử,... có thể thúc đẩy phát triển du lịch tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc khai thác, đầu tư và chính sách.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Tú - Chủ tịch Công ty Làng Sinh Thái Việt Nam (thành viên của đoàn Xuyên Việt Farmstay) đưa ra 2 mô hình khả thi cho các hộ dân đầu tư tại nông thôn là homestay và farmstay. Đồng thời, theo ông Tú dù mang tiềm năng du lịch lớn, có sẵn nguồn khách nhưng du lịch tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa tạo ra được trải nghiệm độc đáo để thu thêm nguồn lợi từ du khách.
Còn theo ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh sẽ giúp đưa nông sản, không gian và bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên du lịch. Khác biệt lớn nhất là Du lịch Nông nghiệp gắn chặt với văn hóa bản địa, trong khi các loại hình du lịch khác như nghỉ dưỡng biển chẳng hạn - đang bị module (mô - đun) hóa, thiếu tính độc đáo, riêng biệt. Một khách sạn 5 sao ở Việt Nam, hay ở Mỹ, Singapore, Hàn Quốc nếu cùng một thương hiệu thì cơ bản là giống nhau. Phát triển du lịch cần yếu tố bản sắc văn hóa, và nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế có bản sắc. Nông thôn là nơi lưu giữ một cách trọn vẹn đời sống tinh thần, văn hoá dân tộc, cũng như những giá trị tinh thần cốt lõi. Vì vậy, ông Phạm Thanh Tùng cho rằng, tất cả các ban ngành cần có tư duy làm du lịch bằng cách đến các địa phương đã thành công để học hỏi. Tiếp theo, cần xác định rõ định vị du lịch Hà Tĩnh là gì, sau đó tạo ra sản phẩm độc đáo duy nhất cho tỉnh. Cuối cùng, việc thực thi cần thống nhất tại một cơ quan để thông suốt, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về việc giải bài toán bán sản phẩm du lịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Trần Sáng cho biết, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo triển khai hiệu quả Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phát triển Du lịch Nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025. Cụ thể hoá kết quả sự kiện hôm nay bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Đồng thời, tiếp tục kết nối với Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp, kêu gọi và kết nối các nhà đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là trong phát triển du lịch nông thôn.