Quảng cáo #128

Hà Tĩnh: Đất hương hỏa nhưng không được công nhận

Từ mảnh đất hương hỏa của nhà chồng, sau khi đi sơ tán trở về thì phần đất của gia đình ông Nguyễn Xuân Quy (đã mất) bà Nguyễn Thị Sửu ( sn 1946 tại xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) lại bị cho là đất không hợp pháp. Mặc dù mảnh đất được người dân địa phương, chính quyền xác nhận là đất của bố mẹ ông Quy và chưa được đền bù và cấp trả. Hơn 20 năm qua gia đình bà đã gõ cửa các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh để xin lại một phần mảnh đất này tuy nhiên vẫn chưa được xem xét.

Gian nan “xin” lại đất hương hỏa

Bà Nguyễn Thị Sửu cho hay: Năm 1910, ông Nguyễn Dượng (ông nội chồng bà Sửu) đã khai hoang được hơn 1000m2 đất nông nghiệp tại Cồn Đình (Rú Đình) thuộc địa bàn xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

ba-su-1-1645773021.jpg
Mảnh đất hương hỏa của gia đình bà Sửu nhưng không được thừa nhận. Ảnh: N. Duyên.

Năm 1950, được cha cho đất, ông Nguyễn Sâm (con trai ông Dượng - PV) đã xây dựng ngôi nhà gỗ 5 gian để sinh sống và canh tác trên toàn bộ diện tích đất mà ông Dượng để lại. Đến năm 1965, do giặc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt, gia đình ông Nguyễn Sâm phải sơ tán về ở nhà cha mẹ. Sau đó, bố chồng bà mất đã để lại mảnh đất trên cho vợ chồng bà ở. Nhưng những năm 1950 - 1965 do sự bắn phá ác liệt của giặc Mỹ cùng mệnh lệnh của cấp trên, gia đình bà đã đi sơ tán. Sau đó, từ năm 1968 đến năm 1979 chồng bà cùng 3 người anh em khác trong gia đình chồng lần lượt lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại các mặt trận phía Bắc, phía Nam và Lào nên không thể trở về ở lại trên phần đất hương hỏa đó của gia đình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các em chồng đều ở lại miền Nam để lập nghiệp. Đến năm 1991, sau khi ông Nguyễn Xuân Quy (chồng bà) hoàn thành nghĩa vụ trên đất bạn Lào trở về, vợ chồng bà trở về sinh sống trên mảnh đất này.

ba-suu-3-1645773327.jpg
Giếng nước bố mẹ chồng bà Sửu đào và sử dụng khi ở trên mảnh đất này. Ảnh: N. Duyên.

Tuy nhiên, khi trở về quê hương thì thấy Công ty thương nghiệp huyện Đức Thọ đóng trên một phần diện tích của gia đình. Từ đó đến năm 2014, vợ chồng bà đã nhiều lần đến chính quyền từ xã đến huyện để xin lại một phần mảnh đất này nhưng nguyện vọng của gia đình bà vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xem xét.

Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Quy qua đời, bà Sửu tiếp tục sử dụng mảnh đất trong mục đích kinh doanh trên địa bàn chợ Bộng, (xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Tuy nhiên, mảnh đất đang được sử dụng của gia đình bà Sửu lại bị chính quyền xã, huyện cho là bà Sửu đang sử dụng đất bất hợp pháp?.

“Không hiểu vì sao sau khi trở về tôi xin được cấp lại mảnh đất hương hỏa của gia đình và thực hiện các nghĩa vụ trên đất nhưng đều không được chính quyền địa phương chấp nhận? Nhưng họ lại lấy đất đó để cấp cho người khác” - Bà Sửu bức xúc.

Đúng là đất tổ nghiệp

Qua quá trình tìm hiểu, những người dân sống tại khu vực này đều khẳng định mảnh đất bà Sửu hiện đang ở, trước đây là đất của bố ông Quy chồng bà Sửu.

ba-suu-2-1645773088.jpg
Những người cao tuổi tại địa phương đều xác nhận, mảnh đất này là của bố mẹ chồng bà Sửu. Ảnh: N. Duyên.

Bà Trương Thị Ý ( trú tại xóm 2, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang) cho biết: Mảnh đất mà bà Sửu đang sử dụng đúng là đất cha ông để lại cho gia đình bà Sửu. Ngày xưa, mảnh vườn đó có ngôi nhà 5 gian rất rộng, diện tích đất bao nhiêu thì tôi không rõ. Nhưng những năm qua, thấy gia đình bà Sửu chạy ngược chạy xuôi để xin lại một phần mảnh đất hương hỏa cũng tội. Thiết nghĩ các cấp ban ngành phải làm rõ quyền lợi sử dụng đất vì đây cũng là một gia đình có công với cách mạng.

Ông Phan Đình Xuân (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: “Mảnh đất này trước đây đúng là của cha, ông của ông Nguyễn Xuân Quy. Một thời gian thì tôi thấy có một Công ty thương nghiệp đã nằm trên đó. Khi ông QUy đi bộ đội về đó ở. Nhưng vừa qua, thấy họ làm chợ và được biết gia đình bà Sửu không được công nhận là chủ của mảnh đất này. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng, Nhà nước, các cấp chính quyền huyện Vũ Quang và tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại trước quyền sử dụng đất của gia đình bà Sửu”.

ba-suu-4-1645774017.jpg
Hơn 20 năm qua, bà Sửu (áo trắng) đi gõ cửa các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh để xin lại một phần mảnh đất tổ nghiệp. Ảnh: N. Duyên.

Ông Mai Đức Hiệp (trú tại Cồn Đình, chợ Bộng) cho hay: Khi tôi tập kết ra đây (năm 1954) thì thấy gia đình họ đã ở đó rồi. Vì hồi đó chiến tranh ác liệt nên có lệnh sơ tán họ mới đi và hồi đó có lệnh đi sơ tán nhưng không có lệnh trở về nên nhiều gia đình đã từng ở khu vực này không biết để về. Nhưng gia đình bà Sửu đã quay về ở trên đó làm ăn buôn bán. Thiết nghĩ chính quyền cũng cần xem xét lại để hài hòa quyền lợi cho họ.

Theo lãnh đạo xã Đức Bồng xác nhận thì mảnh đất đó đúng là đất tổ nghiệp của gia đình chồng bà Sửu. Nhưng do thời điểm đo vẽ bản đồ 299 gia đình bà Sửu không có hồ sơ cũng như tên trên bản đồ nên chính quyền không thể đáp ứng theo nguyện vọng của bà.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bính - cán bộ địa chính UBND xã Đức Bồng thừa nhận: “Thực tế, mảnh đất đó trước đây là của gia đình bà Sửu nhưng trên hồ sơ bản đồ lại không có tên của họ. Trên bản đồ 299 được vẽ vào năm 1980, đúng có đất nhà bà Sửu nhưng do Công ty cấp III đã sử dụng. Bên cạnh đó, trong mảnh đất đó năm 1992 còn được thu hồi và cấp cho ông Truyền nhưng đã không được công nhận vì cấp sai”.

Cũng theo ông Bính, Bà Sửu trở về ở trên mảnh đất đó nhưng từ năm 1992 đến năm 2005 lại không còn lưu giữ bất kỳ một hồ sơ nào về mảnh đất này. Còn việc gia đình bà Sửu xin được đóng thuế và các nghĩa vụ khác nhưng không được đồng ý thì ông không nắm rõ.

Chúng tôi chỉ nắm giữ các loại văn bản từ năm 2005 trở lại nay còn các loại giấy tờ liên quan đến đất đai của bà Sửu trước đó tôi không có - ông Bính cho biết thêm.

Trong những giấy tờ mà UBND xã Đức Bồng còn lưu lại về mảnh đất này là giấy trả đất của công ty thương nghiệp cấp III ngày 28/7/1993. Nhưng năm 1992 UBND huyện Đức Thọ đã ký quyết định cấp 300m2 đất do Công ty thương nghiệp quản lý cho nguyên chủ tịch UBND xã Đức Bồng lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Truyền.

Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 4035/QĐ - UBND về việc chấp nhận chủ trương đầu tư và xây dựng Chợ Bộng. Đến tháng 3/2016 UBND huyện Vũ Quang có thông báo yêu cầu gia đình bà Sửu phải tháo dỡ lều quán và trả lại mặt bằng xây dựng mà không có bồi thường hay hỗ trợ tái định cư.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Mảnh đất đó đúng là đất tổ nghiệp của cha ông nhà chồng bà Sửu. Nhưng vì đất đó đã được trưng dụng phục vụ mục đích khác nên nhà nước không thể trả lại. Gốc tích đất thì không có gì sai nhưng vướng vào luật, quy định. Hiện nay, chúng tôi chỉ thực hiện theo những quyết định, văn bản giấy tờ từ các lãnh đạo thời điểm trước.

Hơn 20 năm qua, gia đình bà Sửu đã gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thấu tình đạt lý. Trong những năm qua chính quyền các cấp tại đây đã tiến hành nhiều cuộc làm việc, tuy nhiên mảnh đất tổ nghiệp của gia đình vẫn không được công nhận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Duyên - Mỹ Hà.