
Sáng 9.6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để thảo luận về các giải pháp chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn thành phố. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của TP Hà Nội cùng bà Sayaka Arai - Chủ tịch VAMM, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam và đại diện các thành viên khác của hiệp hội.
Tại buổi làm việc, bà Sayaka Arai đại diện VAMM kiến nghị thành phố xem xét một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phương tiện sạch. Đối với xe chạy xăng, hiệp hội đề xuất định hướng sản xuất và sử dụng các dòng xe xăng sạch hơn, bao gồm việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4, hạn chế mức tiêu thụ nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sinh học và kiểm soát khí thải xe đang lưu hành. Trong khi đó, với xe điện, VAMM đề nghị thành phố xây dựng một lộ trình chuyển đổi khả thi, bắt đầu sớm nhất từ năm 2030.
Chủ tịch VAMM nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là một chính sách lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều bên liên quan. Do đó, cần có quá trình tham vấn rộng rãi, thảo luận kỹ lưỡng để đánh giá các yếu tố, đặc biệt là mức độ gây ô nhiễm không khí của xe xăng, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và hợp lý của chính sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ghi nhận các đề xuất từ phía VAMM và khẳng định thành phố luôn sẵn sàng tiếp nhận những kiến nghị mang tính xây dựng nhằm cải thiện chính sách liên quan đến xe máy, đặc biệt là trong bối cảnh hướng đến đô thị phát triển bền vững.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, xe máy tuy mang lại sự tiện lợi nhưng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về giao thông và môi trường tại các đô thị lớn như Hà Nội. Thành phố đã có định hướng rõ ràng từ lâu, thể hiện qua việc HĐND TP ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND từ ngày 4.7.2017, thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Vì vậy, đây không phải là một quyết định đột ngột với người dân hay doanh nghiệp”, ông Thanh nói. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch giảm xe máy tại 4 quận nội đô theo lộ trình cụ thể, được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi cần có quyết tâm và đồng thuận xã hội. “Nếu không quyết tâm thì không biết đến bao giờ Hà Nội mới có thể trở thành một đô thị văn minh, sạch đẹp như các thành phố lớn của Nhật Bản hay châu Âu”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Hiện nay, thành phố cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia như Nhật Bản, các nước châu Âu trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó giai đoạn 2030–2035 dự kiến xây dựng khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị.
Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Chúng tôi hiểu rằng xe máy không phải là nguyên nhân duy nhất gây ô nhiễm hay tắc nghẽn, nhưng đây là một yếu tố tác động rõ ràng đến môi trường và văn hóa đô thị. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một môi trường sống lành mạnh hơn, mong muốn VAMM đồng hành cùng Hà Nội trong quá trình chuyển đổi này.”