Hà Nội quy hoạch 5 trục không gian phát triển đến năm 2045

Mới đây, Hà Nội đã nghiên cứu và quyết định bổ sung 2 trục không gian mới, ngoài 3 trục chính đã được quy hoạch trước đó. Hai trục mới này bao gồm Nhật Tân - Nội Bài và phía Nam kết nối với trung tâm Thủ đô.

Theo quy hoạch cũ, có 3 trục không gian phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây – Ba Vì và Hồ Tây – Cổ Loa. Tờ trình lần này bổ sung thêm 2 trục Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp lên Sân bay Nội Bài) và phía Nam nối trung tâm Hà Nội.

Được biết, trục Nhật Tân – Nội Bài đã hình thành nhưng không gian hai bên đường chưa phát triển nhiều, thời gian tới sẽ có các đô thị thông minh, công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, không gian xanh...

Trục không gian phía Nam thành phố hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long – Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn – Tam Chúc.

quy-hoach-ha-noi-1688459395.jpg
Quy hoạch cũ Hà Nội có 3 trục không gian phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây – Cổ Loa và Hồ Tây – Ba Vì. Ảnh: Internet

Quy hoạch 1259 xác định Hà Nội được hình thành bởi chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, ba thị trấn sinh thái và các thị trấn. Quy hoạch lần này cơ bản giữ nguyên mô hình nhưng điều chỉnh để hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc và phía Tây.

Cụ thể, thành phố phía Bắc sông Hồng rộng 633 km2, gồm 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu. Trong quy hoạch 1259, Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh nhưng nay thành phố phía Bắc bao trùm đô thị vệ tinh này. Thành phố khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng.

Tiếp đến, thành phố phía Tây rộng 251 km2, bao trùm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dự kiến dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu. Thành phố phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái.

Hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây.

Có thể thấy, qua việc điều chỉnh và bổ sung trong quy hoạch, Hà Nội hướng đến việc xây dựng một hệ thống đô thị đa chức năng, kết nối các trục không gian phát triển và tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho cư dân. Quy hoạch này đặt mục tiêu phát triển đô thị thông minh, các công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và không gian xanh, tạo nên một Hà Nội hiện đại và bền vững.

Ánh Dương (t/h)