126/146 bãi tập kết cát không phép
Dọc các tuyến đê các sông Hồng, Đà, Đuống, Đáy,... đoạn chạy qua các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Gia Lâm, Thường Tín... không khó để nhận thấy các bãi tập kết cát hoạt động bất hợp pháp suốt ngày đêm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn của mạng lưới đê điều bảo vệ Hà Nội.
Những bãi tập kết cát hoạt động vào mùa mưa lũ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông và các công trình bảo vệ bờ,... làm cản trở đến công tác phòng, chống thiên tai và gây ô nhiễm môi trường những khu vực lân cận. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mét bờ sông,... khiến thu hẹp dòng chảy, cản trở việc thoát lũ…
Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội, thành phố hiện còn 126/146 bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép, sai phép trên tổng diện tích hơn 90 ha đất, nằm ven các sông Hồng, sông Đà, sông Đuống… Hoạt động vận chuyển tại các bến bãi ven sông vào mùa mưa lũ gây nguy cơ sạt lở bờ sông, sụt lún đê, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão.
Để lập lại trật tự các bến bãi, ngày 30/3/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố, nhưng nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, có dấu hiệu “phớt lờ”, “bao che” cho các sai phạm trên địa bàn quản lý.
Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 34 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Mặc dù, các cấp, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc xử lý, nhưng trong 8 tháng qua, các địa phương mới xử lý được 7 vụ, trong đó có 4 vụ phát sinh trong năm 2023 và 3 vụ từ năm 2022. Tính từ năm 2022 đến nay, vẫn còn 85 vụ vi phạm chưa được xử lý triệt để.
Tại quận Bắc Từ Liêm, trên địa bàn các phường Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc hiện có nhiều bãi tập kết cát dọc bờ sông. Theo quy định, các bến, bãi này muốn hoạt động thì phải được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê đất. Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh, hầu như những bến bãi tập kết cát dọc các bờ sông thuộc quận Bắc Từ Liêm đều do các tổ chức cá nhân lấn, chiếm và tự sử dụng, hàng chục hecta đất bãi đang bị sử dụng trái pháp luật, lãng phí tài nguyên đất. Vì sử dụng đất lấn chiếm nên hầu hết các bến bãi này không có giấy phép hoạt động.
“Đừng để bắt cóc bỏ đĩa”
Theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thì thời điểm từ 15/6 đến 15/10 hàng năm các bến bãi trong hàng lang thoát lũ phải thu dọn máy móc, thiết bị, hàng hóa và không được hoạt động để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, quy định này dường như không có hiệu lực đối với các chủ bãi?
Tình trạng xâm hại đê điều vẫn diễn ra ở nhiều tuyến đê trên địa bàn thành phố Hà Nội, đe dọa đến sự an toàn của công trình phòng chống lũ lụt, mặc dù đã có nhiều trường hợp đã bị Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm.
Tại quận Bắc Từ Liêm, cơ quan chức năng quận đã tiến hành kiểm tra, đình chỉ hoạt động của 15 bãi trung chuyển vật liệu xây dựng không phép, trên tổng số 28 địa điểm có hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông.
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh tại các khu vực có hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, nhiều khu đất vẫn là nơi tập kết cát và trung chuyển vật liệu xây dựng. Tại gầm cầu Thăng Long, bờ sông trải dài hàng trăm mét diễn ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép, trong khi dưới sông các con tàu tấp nập “nhả” cát còn trên bờ từng đoàn xe xếp hàng “ăn cát” hoạt động suốt ngày đêm. Mặc dù, các lối vào của khu vực bến bãi đều có barie ngăn không cho phương tiện qua lại, nhưng việc trung chuyển cát và vật liệu xây dựng từ tàu lên bờ, từ bờ lên xe vẫn diễn ra hết sức tinh vi và có tổ chức.
Khoảng thời gian từ 21h hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau, là thời điểm các bến bãi trái phép luôn sáng đèn, hoạt động tấp nập, từng đoàn xe quá tải nối đuôi nhau ra vào. Ở mỗi cửa khẩu đê ra vào các bãi đều có người trực mở balie, với nhiều thanh niên “xăm trổ” ngồi canh gác, sẵn sàng cản trở, ngăn cản người lạ mặt vào khu vực.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề nhức nhối này, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đã liên hệ với UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, tuy nhiên sau hơn 10 ngày liên lạc vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan có thẩm quyền tại quận Bắc Từ Liêm.
Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin.