Trong năm 2022, các ngành, địa phương tại tỉnh Bắc Giang đã tích cực giải quyết, xử lý các vi phạm về đê điều và phòng, chống thiên tai (trong năm đã xử lý được 90 trường hợp: Hiệp Hòa 11 trường hợp, Việt Yên 04 trường hợp, Yên Dũng 13 trường hợp, Lạng Giang 12 trường hợp, Tân Yên 04 trường hợp, thành phố Bắc Giang 14 trường hợp, Lục Nam 32 trường hợp).
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về lĩnh vực đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm mới thường xuyên phát sinh, một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, lãnh chỉ đạo chưa quyết liệt trong công tác giải quyết vi phạm và ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.
Nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố có đê, các cơ quan liên quan tập trung xử lý các vi phạm liên quan đến đê điều.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố có đê phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm về đê điều, phòng, chống thiên tai trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ trên địa bàn. Tổng số trường hợp vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh cần xử lý trong năm 2023 là 125 trường hợp, trong đó vi phạm về đê điều là 94 trường hợp, vi phạm về bến bãi chất tải, kinh doanh vật liệu là 31 trường hợp.
Đối với các trường hợp phát sinh sau kế hoạch được ban hành, UBND các huyện, thành phố bổ sung vào kế hoạch, tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn tại và phát sinh vi phạm mới.
UBND các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai ở huyện, thành phố và xã, phường thị trấn do Chủ tịch UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn làm trưởng ban. Ban chỉ đạo các huyện, thành phố có nhiệm vụ phối hợp với Chi cục Thủy lợi, các Hạt Quản lý đê tiến hành rà soát lên danh sách các hộ vi phạm, phân loại các trường hợp vi phạm, thiết lập và hoàn thiện hồ sơ về vi phạm.
Lập kế hoạch xử lý, giải tỏa cụ thể, chi tiết, trực tiếp chỉ đạo thực hiện xử lý giải tỏa vi phạm công trình đê điều, phòng, chống thiên tai trên địa bàn bảo đảm theo đúng trình tự pháp luật.
Đồng thời thông báo kế hoạch giải tỏa của địa phương tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các hộ có hành vi vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức công tác tuyên truyền Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện có liên quan, thời gian từ ngày 15/4/2023 đến ngày 30/4/2023.
Tổ chức kiểm tra công tác tự tháo dỡ, tự giác chấp hành pháp luật của các hộ dân và tiếp tục vận động các hộ chấp hành quy định của pháp luật. Sau ngày 30/5/2023, tổ chức ra quân cưỡng chế, xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện, bảo đảm xong trước ngày 20/6/2023.