Hà Nội: Môi trường bị ảnh hưởng vì hồ Đá Dựng ô nhiễm, người dân kêu cứu

Thời gian gần đây, người dân sống gần hệ thống trang trại chăn nuôi nằm ngay sát khu dân cư thuộc thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội phản ánh tình trạng ngang nhiên xả thải trực tiếp ra hồ Đá Dựng mà không thông qua bất kỳ hệ thống xử lý chất thải nguy hại nào, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, Tòa soạn Doanh nghiệp & Kinh tế xanh triển khai Chuyên đề nghiên cứu: “Công tác quản lý, hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải đối với các trang trại gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội”, nhằm tìm hiểu, ghi nhận thực tế để thực hiện tốt vai trò thông tin, tuyên truyền về những điểm tích cực nổi bật, hạn chế bất cập cần được giải quyết…

Qua đó, chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân tại thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội về tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dẫn đến việc lấn chiếm nghiêm trọng đất công, mặt hồ thuỷ lợi, ô nhiễm môi trường tại khu vực hồ Đá Dựng.

z4098672517339-2b76e7926aabc0aba9457f19bc6170ab-1676093630.jpg

Hoạt động đổ đất, kè đá tại lòng hồ Đá Dựng (ảnh: người dân cung cấp).

Theo nội dung phản ánh, người dân cho biết: Hồ Đá Dựng là hồ thuỷ lợi, phục vụ công tác điều hoà nước tưới tiêu, môi trường của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất Hà Nội. Nằm giữa hồ là 1 đảo nhỏ rộng khoảng 4.000m2, vốn là đất khai hoang trồng keo và các cây trồng rừng, không phải là đất thuộc danh mục đất ở nông thôn. Hoàn toàn không có đường nối giữa đảo và các vùng đất quanh hồ. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, một cá nhân đã tiến hành hoạt động xây dựng, kè đá kiên cố, lấn chiếm rộng quanh đảo ra hơn 2m so với hiện trạng cũ. Đồng thời, xây dựng một số công trình kiên cố trên mặt hồ. Sau đó, làm một đường nối giữa đất liền với đảo, cắt ngang luồng lưu thông nước chảy.
Các hoạt động xây dựng này đã nhiều lần được cư dân trong thôn phản ánh với công an xã, chính quyền xã. Tuy nhiên, hiện nay việc này không có dấu hiệu dừng lại.
 z4100968583727-56f1845d3651933c3c848c8fc5298a80-1676093746.jpg

z4100971146767-99f3514552012492bc7857bb93397db8-1676093819.jpg

Việc xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý đã khiến hồ Đá Dựng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận thực tế, trang trại chăn nuôi quy mô lớn có vị trí gần với khu vực dân cư, nằm ngay cạnh hồ Đá Dựng – nơi cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng, nuôi trồng thủy sản của các hộ gia đình xung quanh hồ. Trang trại được xây dựng theo mô hình hoạt động chăn nuôi công nghiệp khi bố trí 2 chuồng trại với kết cấu tường bi, bắn mái tôn sắt kiên cố, hệ thống quạt gió làm mát cùng nhiều quy mô chuồng nhỏ, hạng mục khác.
Tuy nhiên, nước thải từ trang trại lại không được xử lý theo một quy trình bảo vệ môi trường tiêu chuẩn, toàn bộ nước thải từ hoạt động chăn nuôi xả thải trực tiếp vào ao nằm trong phần đất của trang trại. Khi nước thải trong ao bị đầy thì sẽ tràn ra hồ Đá Dựng theo đường cống xả qua bức tường bao quanh trang trại đã được để chờ từ trước.

azz-1649046106-1676094206.jpg

Nguồn nước bị ô nhiềm trầm trọng tại hồ Đá Dựng.

Các hộ dân sống tại khu vực này cho biết: Nhận thấy mùi hôi thối nồng nặc, cá ở hồ Đá Dựng có hiện tượng bị chết, thì phát hiện ra cống xả thải của trang trại chăn nuôi đang xả trực tiếp ra hồ. Điều này đã khiến nguồn nước của hồ bị biến đổi, nguồn nước giếng khoan cũng bị ảnh hưởng nên phải khoan sâu hơn vì sự thẩm thấu của nước thải xuống đất; ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường sống của các hộ gia đình...
Bà H – một người dân sống cạnh hồ Đá Dựng cho biết: Trước đây, hồ Đá Dựng rất sạch sẽ, người dân còn có thể lấy nước để sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp. Thế nhưng, từ khi xuất hiện trang trại chăn nuôi quy mô lớn, xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý đã khiến hồ Đá Dựng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt vào những ngày trời nắng nóng, oi bức các hộ dân xung quanh hồ phải đóng kín cửa.
Chúng tôi đã có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Một người dân khác sinh sống tại thôn 6, xã Tiến Xuân cho biết: Nguyên nhân hồ Đá Dựng bị ô nhiễm chủ yếu là do quá trình chăn nuôi của hộ gia đình ông H. Ông H sở hữu 2 trang trại chăn nuôi vịt có diện tích khoảng 1ha. Trước đây, ông H chăn nuôi vịt kết hợp với một công ty nên dùng cám của doanh nghiệp này. Hiện tại, ông H còn ủ thêm cá để làm thức ăn cho vịt. Chính hộ ông H đã xả thải trong quá trình chăn nuôi qua một cái ao nối trực tiếp với hồ Đá Dựng, khiến nước hồ chuyển màu đen và bốc mùi.
Trước những dấu hiệu bị “bức tử” tại khu vực hồ Đá Dựng, đề nghị chính quyền địa phương, UBND huyện Thạch Thất nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt để, trả lại sự sống cho hồ Đá Dựng cũng như cuộc sống an toàn cho người dân địa phương.

Tại Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018 yêu cầu hộ gia đình chăn nuôi phải đáp ứng được chuồng nuôi tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch và thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi, chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường. 

Đối với hình thức chăn nuôi trang trại, việc đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động cũng là điều kiện cần thiết. Căn cứ theo quy định tại phụ lục II ban hành kèm Nghị định 18/2015/NĐ-CP nhóm các dự án chăn nuôi phải đánh giá tác động môi trường chỉ rõ: Đối với những dự án chăn nuôi có quy mô chuồng trại từ 1000 m2 trở lên đối với gia súc, gia cầm thì phải đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án đi vào hoạt động.

Yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế là phải gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, phù hợp với quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” đã được thể hiện tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàng Hà - Hoàng Thăng