Hà Nội:

Huyện Thường Tín phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã vươn lên trở thành huyện tốp đầu hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. 
huyen-thuong-tin-1704252650.jpg
Huyện Thường Tín đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của huyện. Ảnh minh họa

Hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao

Huyện Thường Tín hiện nay có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trải qua 15 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, huyện Thường Tín đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đến nay, huyện tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Kết quả năm 2023, 9 xã phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Duyên Thái, Thắng Lợi, Chương Dương, Quất Động, Văn Phú, Tự Nhiên, Tô Hiệu, Hiền Giang, Nguyễn Trãi và 3 xã phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu: Văn Bình, Nhị Khê, Hà Hồi.

Ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Thường Tín đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 66 - 68 triệu đồng/người/năm.

Để đạt được những thành tựu trên phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, chính quyền cũng như sự đồng thuận, hưởng ứng, đồng hành của người dân địa phương. Đề án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đặc thù được Hội đồng nhân dân huyện phê duyệt thông qua từ năm 2015 đã mang lại hiệu quả cao góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Từ năm 2015 đến nay, ngân sách huyện Thường Tín đã hỗ trợ thực hiện 2.045 công trình với số tiền 166,53 tỷ đồng, trong đó năm 2021: Hỗ trợ kinh phí cho 159 tuyến đường làng ngõ xóm, dân cư với tổng số tiền 10,435 tỷ đồng; Năm 2022: Hỗ trợ kinh phí cho 172 tuyến với số tiền 14,798 tỷ đồng. Năm 2023: Hỗ trợ kinh phí cho 96 tuyến với số tiền 7,565 tỷ đồng.

xa-hong-van-1704252650.jpg
Con đường rực rỡ màu hoa tạo nên diện mạo làng quê đẹp thơ mộng. Ảnh minh họa

Được biết, Thường Tín là một trong những huyện của TP. Hà Nội sớm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôm mới nâng cao được công nhận giai đoạn 2018 – 2020 gồm các xã: Hồng Vân, Nhị Khê, Văn Bình, Hà Hồi, Vạn Điểm; 1 xã Minh Cường được công nhận nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2026 và có xã Hồng Vân được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với 4 lĩnh vực: Y tế, Văn hóa, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù điều kiện kinh tế của một số xã vẫn gặp khó khăn nhưng đều thể hiện sự cố gắng, phấn đấu rút ngắn thời gian về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Khắc phục khó khăn hướng tới nông thôn kiểu mẫu

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Thường Tín vẫn còn nảy sinh một số tồn tại, hạn chế như: một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, còn trông chờ ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, ý thức tự giác, chủ động chưa cao. Do vậy việc huy động các nguồn lực của người dân và doanh nghiệp chưa nhiều.

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu mới và yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước như: diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; có sản phẩm OCOP được xếp hạng,...

xay-dung-nong-thon-moi-1704252650.jpg
Con đường bích họa của các họa sỹ trẻ vẽ tại huyện Thường Tín. Ảnh minh họa

Nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với xã xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 theo kế hoạch của thành phố (Chương Dương, Quất Động, Văn Bình) còn chậm.

Hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá chưa phát huy hết vai trò, vị trí, số lượng Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Việc xử lý nước thải, thất thải chưa triệt để còn hiện tượng thải ra môi trường bên ngoài nhất là số trang trại chăn nuôi ở gần khu dân cư, hệ thống cống tiêu thoát không bảo đảm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái...

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai thi công các dự án trường chuẩn quốc gia chậm, nhiều trường tái chuẩn quốc gia chưa được triển khai thi công nên sẽ khó khăn cho công tác công nhận trường chuẩn quốc gia. Kinh phí đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học còn hạn chế, chưa đồng bộ, bổ sung chưa kịp thời.

Từ những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, Thường Tín phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn kiểu mẫu, tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu năm 2024 có ít nhất 9 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Hòa Bình, Tân Minh, Lê Lợi, Dũng Tiến, Vân Tảo, Liên Phương, Nghiêm Xuyên, Văn Tự, Tiền Phong; 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu: Duyên Thái.

Đồng thời, kiến nghị thành phố triển khai đầu tư hạ tầng nước sạch nông thôn, tăng cường nguồn vốn cho địa phương để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đồng bộ, hiện đại, và hỗ trợ kinh phí cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo chỉ tiêu của Thành phố giao. Qua đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển./.
 

Trần Quỳnh