Hà Nội: Hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hà Nội hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn. Các mô hình này đã tạo nguồn thực phẩm sạch cho thành phố và cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
hc-16498403533361243917854-1655204046.jpg
 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện thành phố Hà Nội đã có 5.044 ha sản xuất rau an toàn, hơn 50 ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.

Với 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, các mô hình này của Hà Nội tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tốt lợi thế về khoa học - công nghệ, tạo ra các nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân và doanh nghiệp Hà Nội còn sử dụng phương pháp tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận theo tự nhiên, tận dụng phế phẩm nông nghiệp như nguồn lợi, nhất là khi chi phí sản xuất nông nghiệp ngày một tăng cao.

Ông Hồ Văn Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Quất Động chia sẻ, phương pháp canh tác hữu cơ là sử dụng chế phẩm do Nhật Bản sản xuất để xử lý rơm rạ làm phân bón lót trước khi cấy và trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật có lợi cho đất mà còn giúp cải tạo đất sau thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ. Phương pháp này không chỉ góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón tự nhiên giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn sinh học, thảo mộc trên đồng ruộng Hà Nội chiếm khoảng 60% trong tổng khối lượng hóa chất sử dụng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm và các yếu tố môi trường, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại. Ngoài ra, khuyến khích, vận động bà con tăng cường sử dụng thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, hiện nay, huyện quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha, trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so với các năm trước, nông dân đã biết sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ, phân bón vô cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con các địa phương chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng để cây trồng khỏe mạnh, kháng được các loại sâu bệnh. Nhờ đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Hà Nội sử dụng những năm qua luôn đứng ở nhóm thấp nhất so với các tỉnh, thành phố của cả nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu...

Cụ thể, với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây trồng chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha…, trong đó, có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường.../.

Nguyễn Long TH