Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quyết định còn hướng đến việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030. Kinh phí được trích từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp.
Đến năm 2025, thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm sẽ rút ngắn còn 30 ngày làm việc. Đến năm 2030, thời gian hoàn thành việc chi trả này là 15 ngày để người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.
Cùng với đó, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phép đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư như mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại; mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại phát hành; mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công…
Bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm.
Xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.