Góp ý dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2020 – 2030, tầm nhìn 2050

Chiều 27/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2020 – 2030, tầm nhìn 2050”.
vna-potal-bo-nnptnt-gop-y-quy-hoach-bao-ve-va-khai-thac-nguon-loi-thuy-san-thoi-ky-2021-2030-5738913-1635391498.jpg
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân phát biểu góp ý vào quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển; bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng biển đảo.

Hiện cả nước đã quy hoạch và đưa vào hoạt động 12/16 khu bảo tồn biển; ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác có thời hạn; từng bước đưa khu vực bảo tồn nguồn lợi thủy sản vào hoạt động. Đồng thời, ban hành khung pháp lý phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; khai thác quá mức bằng các ngư cụ có tính hủy diệt; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đường di cư, thay đổi nơi sống của loài thủy sản.

Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển, thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh. Mặt khác, ngành thủy sản Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng"; cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và quan trọng trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ bảo tồn, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, hiệu quả bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Quy hoạch được thực hiện với mục tiêu xây dựng được bộ chỉ số cụ thể về bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch. Xây dựng được phương án tổ chức không gian khai thác thủy sản phù hợp với từng vùng biển, khu vực biển gắn với số lượng tàu cá hoạt động theo nghề chiều dài, đối tượng khai thác cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch.

Cùng với đó, xây dựng được phương án bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản ở từng vùng sinh thái và vùng biển cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch. Quy hoạch được hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên phạm vi toàn quốc cho từng giai đoạn. Đặc biệt, xây dựng được hệ thống giải pháp để thực hiện quy hoạch, nhất là giải pháp về chính sách tổ chức sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Theo đó, sẽ có các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác gắn với bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Dự thảo quy hoạch đến năm 2030, số tàu thuyền giảm xuống còn 83.600 chiếc; trong đó, nghề lưới kéo còn 14%. Đại diện Chi cục Thủy sản Cà Mau góp ý, theo các quyết định đã ban hành thì mỗi năm nghề lưới kéo cần giảm 1,5%, nhưng đến năm 2030 nghề này còn 14% là quá cao khi đây là nghề "sát hại" nguồn lợi cao.

Về đồng quản lý, trong Luật Thủy sản có quy định về đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng không có trong khai thác. Như vậy, khi thực hiện quy hoạch nên có hướng dẫn của ngành để trong khai thác, ngư dân biết thực hiện thế nào.

“Trong dự thảo, số lượng tàu cá của tỉnh Cà Mau giảm mạnh gần 37% và điều này căn cứ vào đâu, có nên giảm theo tỷ lệ theo bình quân chung cả nước”, đại diện Chi cục Thủy sản cho hay.

Về vấn đề giảm nghề lưới kéo, nhiều địa phương cũng kiến nghị nghề này cần giảm mạnh hơn nữa để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh góp ý, tỉnh định hướng phát triển tàu lớn, giảm tàu nhỏ nên số lượng tàu quy hoạch nên định lượng, nếu định tính sẽ rất khó. Việc phân bổ số lượng tàu cần cân bằng với số giấy phép được phép khai thác.

Tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển chế biến, xuất khẩu thủy sản qua cảng Vân Đồn và sẽ xây dụng mô hình chợ cá của Nhật Bản hoặc của Australia nên đây sẽ là Trung tâm phát triển thủy sản của tỉnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng nêu vấn đề, tỉnh có một số khu vực được đưa vào dự thảo cấm khai thác có thời hạn. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại có vùng nằm trong khu vực sản xuất lúa 3 vụ có đê bao. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ, Tổ tư vấn khảo sát lại các điểm này trong thực hiện quy hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế Thủy sản - đơn vị tư vấn chính cho dự thảo quy hoạch cho biết, giai đoạn tới sẽ đặt trọng tâm vào việc bảo tồn, nhất là định hướng cho phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế, tuân thủ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

“Trước tiên sẽ giảm dần các tàu khai thác ven bờ và tiếp đến là các nghề gây nguy hại như nghề lưới kéo. Với các ý kiến của các địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát kỹ để phù hợp với nguồn lợi thủy sản của các vùng miền và ngư trường. Dựa vào nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi trên các ngư trường để định hướng cho các tỉnh về số tàu, ngư cụ và đặc biệt sản lượng khai thác phù hợp với nguồn lợi”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh./.