Gỡ 'thẻ vàng' IUU và tạo sinh kế bền vững để cuộc sống của bà con ngư dân ngày càng tốt hơn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động khai thác hải sản không chỉ là hoạt động kinh tế, mà mỗi tàu cá, mỗi ngư dân cũng là những cột mốc chủ quyền trên biển. "Làm sao cho biển của Việt Nam ngày càng nhiều tôm cá hơn, để cuộc sống của bà con ngư dân ngày càng tốt hơn", Phó Thủ tướng nói.

Đây là chia sẻ, mong muốn của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi thăm, động viên các chủ tàu cá, ngư dân tại cảng cá Sông Đốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), chiều 16/10, cũng như nắm bắt tình hình tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

go-the-vang-thuy-san-1-1729172773.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm cảng cá Sông Đốc, chiều 16/10. (Ảnh VGP)

Đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hải sản

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động khai thác hải sản không chỉ là hoạt động kinh tế, mà mỗi tàu cá, mỗi ngư dân cũng là những cột mốc chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, những năm qua, do nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, đã có hiện tượng ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, hoặc sử dụng những biện pháp khai thác mang tính tận thu, tận diệt, không bền vững.

Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu các sản phẩm thuỷ, hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu khi Ủy ban châu Âu đã ban hành cảnh báo "thẻ vàng" IUU.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai những giải pháp gỡ "thẻ vàng" IUU, như tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu cá ra vào cảng, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,…

go-the-vang-thuy-san-2-1729172820.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra 1 tàu cá có lắp đặt thiết bị giám sát.(Ảnh VGP)

Phó Thủ tướng cho biết, ông sẽ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống IUU vào sáng 17/10, và mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của bà con ngư dân để thời gian tới thực hiện thật tốt các giải pháp chống IUU, sớm gỡ bỏ "thẻ vàng", đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khai thác, hướng tới phát triển ngành thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm.

"Làm sao cho biển của Việt Nam ngày càng nhiều tôm cá hơn, để cuộc sống của bà con ngư dân ngày càng tốt hơn", Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện vẫn còn một số nhiệm vụ chống vi phạm IUU chậm khắc phục. Cụ thể, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023 (49 tàu/402 ngư dân). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các địa phương để xảy ra vi phạm nhiều là tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau.

go-the-vang-thuy-san-3-1729172854.jpg
Phó Thủ tướng trò chuyện với bà con ngư dân.(Ảnh VGP)

Việc đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới đạt khoảng 89% (75.398/84.720 tàu), cấp giấy khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74%.

Hiện cả nước còn 9.322 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong và giữa các tỉnh vẫn còn diễn ra thường xuyên.

Tăng cường quản lý tàu cá nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân khi ra khơi

Theo báo cáo, thị trấn Sông Đốc hiện có 1.115 tàu khai thác đánh bắt thủy sản. Trong đó, tàu nhỏ từ 6 m đến dưới 12 m có 76 tàu; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15 m có 360 tàu; tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m có 624 tàu; trên 24 m có 55 tàu.

Hiện 100% tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). UBND thị trấn Sông Đốc phối hợp chặt với các đơn vị thực thi pháp luật trên biển, như: Biên phòng, công an, cảnh sát biển… chủ động nắm chặt tình hình tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khi xuất, nhập bến, đang hoạt động trên biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm quy định về VMS.

Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã xử phạt vi phạm hành chính về mất kết nối VMS trên biển 16 vụ/16 trường hợp, tổng số tiền xử phạt trên 404 triệu đồng.

go-the-vang-thuy-san-4-1729172902.jpg
Ngư dân Dương Ngọc Ảnh (ở xóm 7, thị trấn Sông Đốc) kiến nghị với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.(Ảnh VGP)

Tại cuộc gặp, ngư dân Dương Ngọc Ảnh (ở xóm 7, thị trấn Sông Đốc) nêu ý kiến với các cơ quan chức năng về quy định về thời gian sửa chữa thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, mất tín hiệu đối với trường hợp tàu cá khi mới ra khơi, hoặc tàu cá bị hỏng cả máy lẫn thiết bị giám sát và phải mất nhiều thời gian để lai dắt về bờ hơn so với quy định; kiểm định chặt chẽ chất lượng của thiết bị giám sát hành trình; hỗ trợ ngư dân chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát.

Ngư dân Ngô Văn Hùng (thị trấn Sông Đốc) kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại quy định không cho phép một người được sử dụng bằng thuyền trưởng và máy trưởng; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục khi thay máy tàu mới; hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu cá, ngư cụ phù hợp với sự thay đổi quy định về vùng khai thác.

go-the-vang-thuy-san-5-1729172930.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng quà cho bà con ngư dân tại cảng cá Sông Đốc. (Ảnh VGP)

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, theo quy định khi thiết bị giám sát hành trình không phát tín hiệu trong vòng 6 tiếng thì ngư dân chỉ cần nhắn tin báo về và có 10 ngày để sửa chữa chứ không phải quay lại bờ ngay.

"Tất cả các thiết bị giám sát khi bán ra thị trường đều được kiểm định về chất lượng, tính năng sử dụng. Một số địa phương đã sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân mua thiết bị hoặc chi trả cước dịch vụ giám sát tàu cá", ông Nguyễn Quang Hùng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các quy định về đăng kiểm tàu cá, máy tàu chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân khi ra khơi, nhất là trong các tình huống gặp sự cố.

Nhiều ngư dân cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ vươn khơi nuôi biển, quy hoạch, ưu tiên vùng thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, để giảm dần hoạt động khai thác nhưng vẫn duy trì sinh kế, nhất là trong thời gian cấm khai thác để bảo vệ nguồn lợi hải sản; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi ngành nghề đảm bảo cuộc sống./.

Bình Nguyên