Đây là ý kiến của đại biểu Hà Ánh Phượng Phượng (giáo viên trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) trong buổi thảo luận Quốc hội sáng ngày 1/11, nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu quy định lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Theo bà Phượng, hiện nay nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc hoặc làm thêm rất nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập do đó dẫn đến tình trạng chưa làm tròn trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, Nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành.
Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tăng lương, phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học giai đoạn hiện nay.
Cùng quan điểm với đại biểu Hà Ánh Phượng, đại biểu Triệu Thị Huyền (viên chức tỉnh Yên Bái) nêu thực trạng thiếu giáo viên các môn tiếng Anh và tin học. Nhân viên trường học cũng thiếu, nhất là ở vùng khó khăn. Thời gian qua, Bộ Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ gỡ vướng trong tuyển dụng giáo viên, nhưng chưa thu hút được nhà giáo đến công tác ở địa bàn khó khăn do chính sách đãi ngộ hạn chế.
Đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút giáo viên, nhân viên trường học, trong đó ưu tiên tuyển con em đồng bào dân tộc. Những môn học đặc thù có thể cho phép tuyển giáo viên trình độ cao đẳng, rồi tiếp tục đào tạo để họ hoàn thiện khung trình độ như quy định.