Giáo dục chuẩn mực đạo đức cá nhân cho thanh niên trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

Giáo dục đạo đức cá nhân trong nền kinh tế thị trường thực chất là quá trình làm hình thành ở cá nhân những chuẩn mực đạo đức, có một lý tưởng sống, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị đạo đức cao đẹp. Đồng thời giáo dục cho họ những giá trị đạo đức truyền thống kết hợp với hiện đại để làm nền tảng cho việc xây dựng một chuẩn mực đạo đức mới của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Xã hội là một bộ phận quan trọng nhất, phát triển cao nhất và hoàn thiện nhất của tự nhiên. Nó tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân nào. Con người trong những hoạt động của mình luôn có mục đích. Mục đích con người đặt ra luôn phải phù hợp với những quy luật khách quan của xã hội. Con người nếu nhận thức và vận dụng đúng những quy luật đó để phục vụ lợi ích cho mình thì con người sẽ có được tự do.

Trong lịch sử phát triển của loài người, con người luôn tìm cách hoàn thiện chính mình về mọi mặt. Xã hội càng phát triển thì những cá nhân càng có các lợi ích hài hoà với lợi ích của xã hội. Lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của xã hội và lợi ích xã hội chính là do những lợi ích cá nhân đem lại.

Dưới chủ nghĩa xã hội, sự phát triển toàn diện của cá nhân vừa là phương tiện vừa là mục đích của xã hội. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng không phải tồn tại xã hội tốt đẹp thì tự khắc mỗi cá nhân trong xã hội đó sẽ có ý thức đạo đức tốt đẹp. Mỗi cá nhân sẽ có cách tiếp thu và nhận thức khác nhau đối với những chuẩn mực đạo đức xã hội.

Với sự chi phối mạnh mẽ của các mặt trong kinh tế thị trường đối với các cá nhân đòi hỏi chúng ta càng cần quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức của từng cá nhân. Việc giáo dục đạo đức cho từng cá nhân, nhất là tầng lớp trẻ, phải được đặt ra và thực hiện thường xuyên.

Giáo dục đạo đức chính là làm giàu thêm tính người trong mỗi con người. Chức năng giáo dục được thực hiện thông qua môi trường đạo đức. Môi trường lành mạnh sẽ tạo sự thuận lợi cho việc giáo dục, môi trường đạo đức sẽ tác động đến đạo đức cá nhân bằng nhận thức đạo đức và thực tiễn đạo đức.

Khi xem xét nhân cách của một con người, người ta coi trọng cả đạo đức và năng lực, hay còn gọi là cái tài và cái đức luôn là hai mặt cơ bản tạo thành nhân cách của một con người. Đạo đức là cái gốc của nhân cách, “tiên học lễ, hậu học văn” hay “người thành đạt trong học thức mà không thành đạt trong đạo đức thì coi như không thành đạt”. Những tri thức đạo đức và những phẩm chất đạo đức tiến bộ không tự nhiên mà có, mà phải thông qua quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong lao động trong đấu tranh. Những chức năng của đạo đức không tác động tách rời nhau mà luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau.

a7b30536-1647223206.jpeg
Ảnh minh hoạ. (nguồn DAD)

Hiện nay, với việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thang giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam đang có những thay đổi lớn và có những chệch hướng so với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Nhìn chung, giá trị đạo đức của chúng ta đang có sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, có cả tích cực lẫn tiêu cực.

Kinh tế thị trường đã và đang làm cho các giá trị tinh thần nói chung, giá trị đạo đức nói riêng bị đảo chiều. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống là vấn đề cần quan tâm. Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã cùng lúc kéo theo hàng loạt vấn đề, nhất là về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Những đợt sóng do cơ chế thị trường tạo ra đang tác động mạnh mẽ đến đạo đức. Không ít giá trị đạo đức đang bị vi phạm, lệch lạc. Hiện nay, do lợi ích kinh tế chi phối, nhiều trường hợp bỏ qua các giá trị đạo đức, chà đạp không thương tiếc lên hai chữ “nghĩa tình”. Từ các mối quan hệ xã hội nói chung, cho đến quan hệ kinh tế, quan hệ làm ăn, buôn bán đều được tính bằng lợi nhuận. Một sự thật đang diễn ra là hiện nay còn xuất hiện cả “bụi nhà”.

Đạo đức trong gia đình bị buông lỏng, quan hệ tình cảm trong gia đình hiện nay cũng đang bị giá trị đồng tiền làm đảo lộn một cách choáng ngợp: con cái vô lễ với cha mẹ, anh em từ nhau, vợ chồng li dị, cha mẹ thờ ơ mặc con cái muốn làm gì thì làm,vv… Thực trạng này là nguyên nhân đầu tiên làm cho cái ác, cái bất lương phát triển, đạo đức xã hội cứ thế đang trên đà đi xuống.

Trong không khí sôi động của cơ chế thị trường, ai cũng tìm đủ mọi cách để tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đi liền với nó là nhu cầu hưởng thụ những tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Họ đã đem đồng nghĩa hạnh phúc gia đình với sự thỏa mãn về vật chất, vì thế họ không còn quan tâm đến những giá trị vô hình làm nên hạnh phúc gia đình.

Trong gia đình là vậy, còn ngoài xã hội xuất hiện thói sống xa lạ, thờ ơ, “thân ai người ấy lo, mệnh ai người ấy chịu”, vi phạm thuần phong mỹ tục. Trái với nét đẹp của dân tộc ta, một bộ phận trong nhân dân mà nhất là lớp trẻ đã và đang sa vào lối sống bạo lực, phi nhân tính. Đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hoặc một sự thật khá nghiêm trọng là trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, tình hình tội phạm hình sự diễn ra ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm cao. Thực trạng về đạo đức trên đây đang là tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội biết: Đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay hết sức phức tạp.

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực đạo đức xã hội ta hiện nay đang có sự đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái cũ. Giáo dục phải làm cho các cá nhân biết giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc, kế thừa những tinh hoa văn hóa nhân loại, phải biết “gạn đục khơi trong” làm phong phú thêm giá trị đạo đức của dân tộc chứ không phải xa rời các giá trị đạo đức truyền thống.

Chính vì vậy, kinh tế thị trường đòi hỏi những giá trị đạo đức phù hợp với nó, yêu cầu mỗi cá nhân và toàn xã hội cùng nhau sống và xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, tạo ra môi trường đạo đức lành mạnh hơn. Trong hoạt động kinh doanh cần kết hợp hài hòa giữa cái lợi và cái thiện, không được vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi nhân cách con người. Chúng ta cần phải biết kết hợp giữa cái mới và những giá trị truyền thống trong quá trình xây dựng nền đạo đức mới trong kinh tế thị trường hiện nay.

Những vấn đề về đạo đức trong kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đang là vấn đề rất phức tạp. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường đến đạo đức là rất rõ. Mặt tích cực đó đã dẫn đến một số giá trị và tiêu chí được xác lập và khắc phục những hạn chế về đạo đức cũ trước đây.

Tuy nhiên, thực trạng về đạo đức trong kinh tế thị trường hiện nay cho thấy, dư chấn của khủng hoảng đạo đức thời bao cấp chưa chấm dứt thì nay, xã hội Việt Nam đang rơi vào cuộc khủng hoảng đạo đức với hai đứa con hư của kinh tế thị trường là “kiếm tiền”và “hưởng thụ”. Sự khủng hoảng đó đang làm suy thoái nền đạo đức trong kinh tế thị trường ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Vậy yêu cầu đặt ra, chúng ta cần xác định rõ những giá trị tích cực và tiêu cực trong nền kinh tế thị trường. Từ đó chúng ta cần có những biện pháp phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp và hạn chế những mặt xấu về đạo đức đang ngày càng một gia tăng. Để làm được điều đó cần xem xét mối quan hệ hữu cơ giữa đạo đức và kinh tế thị trường, định hướng những giá trị đạo đức trong kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Kinh tế thị trường đã góp phần nâng cao cuộc sống của con người, phát huy năng lực của mỗi cá nhân, giúp họ có điều kiện để khẳng định mình. Đáng tiếc thay, kéo theo những giá trị tích cực đó, hiện nay đang xảy ra tình trạng giá trị đạo đức bị xói mòn, con người đang chạy theo cuộc sống hưởng thụ, họ sẵn sàng bỏ qua những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp là nền tảng cốt yếu của con người.

Đặc biệt nhất, đó là vấn đề đạo đức của giới trẻ hiện nay, là những người chưa có nhận thức đúng đắn vế đạo đức, lẫn lộn giữa Tây và Ta, họ đang chạy theo lối sống thực dụng không đúng nghĩa mà bỏ quên đi những giá trị tinh thần cao đẹp. “Vấn đề này đang là sự thách đố đối với những nhà giáo dục cũng như những người có trách nhiệm” [1; 2].

Muốn xây dựng một nền đạo đức mới phù hợp với nền kinh tế thị trường, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục, hình thành nên những chuẩn mực đạo đức đã và đang được xây dựng trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Muốn vậy, những nhà giáo dục và những người có trách nhiệm phải có một phương hướng giáo dục có hiệu quả nhất.

Trong định hướng giá trị đạo đức cần có định hướng cho cá nhân có một lý tưởng sống, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị đạo đức cao đẹp. Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến những giá trị đạo đức truyền thống để làm nền tảng cho việc xây dựng một chuẩn mực đạo đức mới trong giai đoạn hiện nay.

Bàn về vấn đề đạo đức Hồ Chí Minh chú trọng đến vị trí của đạo đức trong đời sống xã hội và nền tảng của người cách mạng chính là đạo đức, “cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông”. Người nói: “ Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời” [2; 320].

Chủ Tịch Hồ Chí Minh nắm rõ đặc điểm và quy luật hình thành đạo đức nên Người rất chú trọng đến con đường cũng như phương hướng xây dựng đạo đức cách mạng. Xây dựng đạo đức với tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm và dư luận của quần chúng. Người nói: “Đạo đức cách mạng không từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [3; 248].

Đặc biệt, trong quan điểm về đạo đức, Người chú trọng kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân “Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hoà mình vào trong tập thể, trong xã hội”. Cần nâng cao đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân vì nó là nguồn gốc của trăm thứ bệnh nguy hiểm.

Qúa trình hình thành ý thức đạo đức của mỗi cá nhân luôn diễn ra trong quan hệ với toàn bộ thế giới tinh thần của cá nhân đó và của chính cộng đồng mà cá nhân đó là một thành viên. Một hệ thống giáo dục thực thụ thì bao giờ cũng được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực của văn hoá tinh thần.

Đó là quá trình giáo dục đồng bộ các lĩnh vực như tri thức, đạo đức và thẩm mỹ, làm cho các yếu tố của lý trí, tình cảm và đạo đức thống nhất với nhau, giúp con người ngày càng vươn tới giá trị cao đẹp chân - thiện - mỹ. Thông qua giáo dục, các chuẩn mực xã hội chuyển hoá thành các tín niệm bên trong hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, hình thành nên lối sống và đời sống tâm lý của cá nhân đó.

Để hình thành ý thức đạo đức tốt đẹp cho mỗi cá nhân, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong gia đình, nhà trường và giáo dục ngoài xã hội. Đầu tiên đó là công tác giáo dục trong gia đình, đây là một công việc hết sức quan trọng nhằm tạo tiền đề xuất phát cho giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi cá nhân ngay từ khi nhỏ cho đến lúc họ trưởng thành. Để làm tốt nhiệm vụ giáo dục trong gia đình cần cải tiến cách giảng dạy và truyền thụ nội dung giáo dục đạo đức gia đình cho từng cá nhân. Đặc biệt, trong gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần có những hiểu biết đúng đắn về nội dung đạo đức trong gia đình để bản thân họ chính là những người thực hiện và dạy cho con cái họ.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các phương tiện truyền thông đang đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền những giá trị đạo đức gia đình tiến bộ và phê phán những thói xấu, quan niệm và sinh hoạt gia đình phi đạo đức. Trong thực tế chúng ta thấy, gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình càng giữ được gia phong thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh. Chính vì vậy, muốn có một chuẩn mực đạo đức tốt thì điều trước tiên chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong gia đình.

Kết hợp giáo dục đạo đức trong gia đình, cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Mỗi người cần nhìn nhận đúng đắn chức năng giáo dục của nhà trường cho từng học sinh, sinh viên. Nhà trường phải luôn giữ gìn kỷ cương, nền nếp học đường, tạo môi trường học tập lành mạnh cho học sinh, sinh viên hình thành và phát triển nhân cách của mình.

Giáo dục đạo đức trong nhà trường là công tác giúp học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị đạo đức nào là cần thiết cho bản thân và xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhất là hiện nay cần giúp cho mỗi cá nhân nhận thức được những giá trị truyền thống là những giá trị đích thực cao đẹp của mỗi con người.

Hơn nữa, nhà trường cần làm cho họ nhận thức được việc thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, nhất là biết phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường là giúp hoc sinh, sinh viên biết trân trọng và lĩnh hội những giá trị đạo đức đích thực, không chấp nhận những phản đạo đức đang lan tràn và luôn đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống. Cùng với tăng cường giáo dục đạo đức trong gia đình và nhà trường, chúng ta cần tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho từng cá nhân có cơ hội rèn luyện và tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách của mình một cách tốt nhất.

Muốn công tác giáo dục đạo đức xã hội nói chung, công tác giáo dục đạo đức nói riêng có hiệu quả cao nhất, cần phải xử lý thích hợp mối quan hệ giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Thái độ hư vô chủ nghĩa đối với những giá trị truyền thống đồng nghĩa với việc tiếp nhận không có sự chọn lọc đới với những giá trị của phương Tây, hoặc chưa có cách hiểu đúng đắn những giá trị đạo đức của họ, dẫn đến đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, suy thoái đạo đức xã hội, khủng hoảng văn hoá xã hội, gây trở ngại cho quá trình tìm tòi học hỏi những giá trị văn hoá đạo đức mới.

Tất cả những điều đó sẽ kìm hãm và cản trở việc xây dựng đạo đức mới phù hợp với nền kinh tế thị trường. Giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong thời đại mới chính là đem sức mạnh của chúng phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế thị trường đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung, giá trị đạo đức nói riêng.

Hiện tượng suy đồi đạo đức đang là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực trạng xuống cấp của đạo đức hiện nay cho chúng ta biết được vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường đang diễn ra rất phức tạp. Những thang bậc giá trị đang bị đảo lộn.

“Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu; giữa lối sống lành mạnh, trung thực, có lý tưởng, có tinh thần bảo vệ và xây dựng đất nước… với lối sống sa đoạ, ích kỷ, thực dụng, bạo lực, giữa cái thiện và cái ác vẫn đang không ngừng diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng.

Bên cạnh những điều tốt, những cái hay được du nhập vào đời sống xã hội Việt Nam thì đồng thời, những cái tiêu cực, cái xấu, cái đáng lên án cũng đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân” [4;22]. Thực trạng trên đây đang là mối lo ngại báo động, để gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho toàn xã hội. Công tác giáo dục cần giúp cho mỗi cá nhân nhìn nhận đúng đắn những giá trị truyền thống và những giá trị đạo đức mới và có sự kết hợp hài hoà giữa hai giá trị đạo đức này. Các giá trị đạo đức truyền thống cần được thẩm định lại và đưa vào giáo dục và phát triển trong điều kiện mới. Đồng thời với việc gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống là việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa đạo đức của thời đại.

Trong quá trình chuyển qua nền kinh tế thị trường, với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, một dân tộc nếu chỉ dừng lại ở những giá trị truyền thống thì chưa đủ để tồn tại và phát triển cùng với nhịp phát triển của thế giới. Trong điều kiện hiện nay, muốn tồn tại và phát triển thì cần kết hợp sức mạnh của những giá trị đạo đức truyền thống với những giá trị đạo đức hiện đại trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để giúp mọi người nhận thức đúng dắn những giá trị hiện đại, từ đó để có những tác động thiết thực và phù hợp với sự phát triển của xã hội, của thời đại của các giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống phải được nâng lên một tầm cao mới. Chính các giá trị đạo đức truyền thống đã làm nên những con người Việt Nam cần cù và bất khuất, tạo nên nhân cách con người bản lĩnh chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.

Ngày nay, truyền thống yêu nước, cần cù, siêng năng, trung thực, lòng nhân ái, vị tha… đã chứng tỏ sự bền vững về giá trị đạo đức của nó. Giờ đây chúng ta cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện những thang giá trị đạo đức đó. Bên cạnh định hướng giá trị văn hoá đạo đức truyền thống để làm nền tảng sức mạnh tinh thần to lớn cho dân tộc, còn cần thấy rõ vai trò của tính hiện đại.

Tính hiện đại không chỉ dừng lại ở việc đổi mới, bổ sung vào các giá trị truyền thống mà còn đòi hỏi chúng ta phải tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức của các nền văn minh trên thế giới. chúng ta cần có quá trình nghiên cứu khách quan, có chọn lọc, nhất là cần tránh tình trạng du nhập những cái gọi là “rác thải” mang tính phi văn hoá không phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc. Như vậy, trong quá trình xây dựng đạo đức mới trong cơ chế kinh tế thị trường cần xử lý mối quan hệ giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Qúa trình đó là sự kế thừa, bổ sung những giá trị đạo đức truyền thống, có những đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội mới của đất nước. Đồng thời phải chọn lọc và vận dụng những giá trị của nhân loại vào thực tiễn nước ta.

Cùng với phương thức giáo dục trên, công tác giáo dục xã hội nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng còn phải quan tâm giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế, mối quan hệ giữa giao lưu hợp tác quốc tế với yêu cầu bảo vệ bản sắc, độc lập dân tộc ngay trong giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, với việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang tiến hành mở cửa, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề về kinh tế, chính trị,văn hoá, đạo đức của dân tộc đang đứng trước các nguy cơ như tụt hậu về kinh tế, chệch hướng, trong giáo dục môn đạo đức lại chưa được quan tâm đúng tầm nên đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng cũng như đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Đặc biệt với thanh niên, những người chủ tương lai của đất nước.

Chính vì vậy, công tác giáo dục của chúng ta hiện nay cần chủ trọng làm rõ những giá trị đạo đức của dân tộc không gì thay thế được. Đặc biệt là hoà nhập nhưng không hoà tan, chúng ta hội nhập vào xu thế phát triển của thế giới nhưng cần gìn giữ những bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Quan trọng nhất, mỗi chúng ta cần ý thức được lòng tự tôn dân tộc để bảo vệ nền độc lập của dân tộc mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần thấy rằng, quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế cũng là một cơ sở để xây dựng đạo đức mới phù hợp với kinh tế thị trường./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tạp chí triết học, số phát hành 30/12/2007.

Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Tạp chí triết học, số phát hành 08/11/2010.

TS. Đoàn thế Hùng