Giảm phát thải để xây dựng ngành hàng thanh long bền vững

Hiện nay, nhiều thị trường trên thế giới có yêu cầu rất cao về sản phẩm… vì vậy, thanh long Việt cần phải có hành lang pháp lý, quy trình sản xuất giảm phát thải nhưng đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu.
thanh-long-2-1696220207.jpg
Giảm phát thải để xây dựng ngành hàng thanh long bền vững. Ảnh minh họa

Thanh long là loại cây dễ trồng, cho năng suất cao, có khả năng chịu hạn, thích nghi tốt với thổ nhưỡng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nên được các tỉnh phía Nam chọn phát triển ở các địa bàn canh tác khó khăn.

Hiện diện tích thanh long Việt Nam hiện nay đạt gần 55.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/ năm. Việt Nam từng là nước dẫn đầu thế giới về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thanh long. Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tăng diện tích thanh long, không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Để phát triển ngành hàng này, tại hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam” mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Yêu cầu tất yếu là tổ chức lại sản xuất thanh long theo chiều sâu, không mở rộng thêm diện tích trồng, thực hiện chuỗi liên kết, tuân thủ yêu cầu các nước nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tận dụng thời gian trái vụ thanh long Trung Quốc…

Hiện nay, thanh long Việt Nam đạt chuẩn chiếm tỷ lệ chưa cao chỉ khoảng 50-60%, tuy có chất lượng nhưng chưa có nhiều giá trị gia tăng nên chưa bán được giá cao. Trong liên kết sản xuất, vai trò của hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp cần được xác định cụ thể và có tính cam kết để đảm bảo cho ra sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng tốt nhất.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã gợi ý nhiều giải pháp để phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam. Theo đó, cần tập trung vào chất lượng thanh long hơn là sản lượng, số lượng. Để làm được điều đó, người sản xuất trực tiếp và các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng thanh long phải chuyển sang tư duy sản xuất hướng đến thị trường và thiết lập các vùng sản xuất chuyên biệt phù hợp với nhu cầu ở các thị trường chính. Đồng thời, nâng cấp được mối liên kết trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, chế biến đến hệ thống logictis phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, xu hướng phổ biến của người tiêu dùng thời gian tới là ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp có nhãn giảm phát thải. Vì vậy, ngành thanh long Việt Nam cũng cần xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất xanh, giảm tối đa lượng phát thải và vật tư đầu vào nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh.

Đông Nghi