Thanh long Việt Nam đối mặt với thách thức mới tại Vương quốc Anh

Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland đang tham vấn công khai trong 6 tuần trước khi báo cáo các Bộ trưởng kèm theo đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến việc kiểm định trái thanh long Việt Nam.
thanh-long-1693755437.jpg
Anh đề xuất thanh long Việt Nam sẽ bị kiểm định tại cảng đến trước khi đưa vào thị trường. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Anh, trong thông báo ngày 11/07/2023 từ Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS), căn cứ vào các bằng chứng thực tế và phương pháp phân tích khoa học, trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Vì vậy, FSA và FSS đang tham vấn công khai trong 6 tuần trước khi báo cáo các Bộ trưởng kèm theo đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến việc kiểm định trái thanh long Việt Nam. 

FSA và FSS dự kiến đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường). 

Nếu được các Bộ trưởng chấp nhận, một quy định pháp lý sửa đổi như vậy sẽ được ban hành và có khả năng thực thi từ đầu năm 2024 tại England, Wales và Scotland. Riêng vùng Bắc Ailen vẫn sẽ áp dụng Quy định nhất quán liên quan của EU. Hiện một số siêu thị (Waitrose, Whole Food) đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia .

Bên cạnh việc trái thanh long có khả năng đối diện với nhiều thách thức, Thương vụ Việt Nam tại Anh còn cho hay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã và đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó, nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.

Cùng đó là yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; qui định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

Hơn nữa, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Anh, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến cáo các doanh nghiệp, hiệp hội tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để cập nhật thông tin về thị trường. Tăng cường kết nối với các địa bàn mục tiêu, những doanh nghiệp đã đủ điều kiện xuất khẩu thị trường EU nên tiếp cận thị trường Anh, Ai-len.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt các điều kiện tiêu chuẩn mới của Thị trường xuất khẩu và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp. Sử dụng các phương tiện, công cụ marketing hiện đại (digital marketing), trí tuệ nhân tạo để tăng cường quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị lộ trình chuyển đổi sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới của Anh và EU về giảm phát thải, chống mất rừng và suy thoái rừng.

Đông Nghi