Giải pháp xây dựng thương hiệu nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.
vinamilk-1602-1713621407.jpg
Vinamilk là thương hiệu Việt đã bước chân sang nhiều thị trường thế giới. Ảnh minh họa

Xuất khẩu mặt hàng chủ lực tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã có những khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%. Một tín hiệu đáng mừng đối với nền sản xuất trong nước là mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô).

Cũng trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%), nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).

Đặc biệt, trong quý I/2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Cà phê tăng 54,2%; gạo tăng 40%; chè tăng 27,2%; rau quả tăng 25,8%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 21,1%; hạt điều tăng 20,5%; gỗ và sản phầm gỗ tăng 18,9%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như: Sản phẩm chất dẻo tăng 131,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 69,5%; sản phẩm hóa chất tăng 41,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 38,9%; sắt thép tăng 32,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30,3%; hóa chất tăng 25,2%; dầu thô tăng 24,5%. Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản quý I/2024 ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Có được những kết quả trên là sự nỗ lực không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam

viettel-1713622275.jpg
Brand Finance đã xếp hạng Tập đoàn Viettel ở vị trí thứ 2 thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông năm 2024. Ảnh tư liệu

Nhờ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng. 

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai các chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Thứ ba, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan, trong đó chú trọng các vấn đề cốt lõi là: Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững; kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Cuối cùng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 cấp độ: thương hiệu Quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đặc biệt đối với doanh nghiệp, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần thực sự lắng nghe khách hàng, tìm hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới. Không chỉ chạy theo xu hướng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm những hướng đi mới để tạo ra xu hướng, dẫn dắt thị trường./.

Đông Nghi