Cụ thể, vào 14h chiều nay (18/7), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 64 triệu đồng/lượng (mua vào), và 65,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 2,2 triệu đồng (mua vào) và 2,65 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 64 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 2,1 triệu đồng (mua vào) và 1,8 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng.
Như vậy, tính từ đầu giờ sáng nay đến giờ mỗi lượng vàng đã giảm 3,3 đến gần 4 triệu đồng.
Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu khách hàng mua vàng cuối tuần qua, đến nay đã lỗ tổng 7,3 triệu đồng/lượng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,95 triệu đồng/lượng (bán ra).
Vàng miếng trong nước đã đã duy trì xu hướng giảm liên tục từ tháng 4 đến nay, kéo giá bán bình quân từ vùng trên 70 triệu/lượng xuống mức hiện tại.
Đáng chú ý, trong khi giá vàng miếng lao dốc sáng nay, giá vàng nhẫn tại hầu hết doanh nghiệp lại ghi nhận xu hướng phục hồi trở lại trên mốc 53 triệu đồng/lượng.
Thực tế, so với vàng miếng, giá vàng nhẫn trong nước thường bám sát diễn biến giá vàng thế giới hơn. Tuần trước, khi giá vàng thế giới lao dốc mạnh, giá vàng nhẫn trong nước cũng chịu xu hướng giảm liên tục từ vùng trên 54 triệu/lượng xuống dưới 53 triệu đồng.
Đến nay, khi giá vàng thế giới phục hồi tích cực từ vùng 1.700 USD/ounce, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận xu hướng đi lên.
Giá vàng quốc tế tại phiên giao dịch châu Á sáng nay tăng gần 8 USD, lên 1.716 USD, ngược chiều với giá trong nước. Giá thế giới hiện ở mức 1.716 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, giá vàng miếng trong nước cao hơn thế giới 17,2 triệu đồng một lượng, còn vàng nhẫn cao hơn khoảng 5 triệu đồng.