Tại Sydney, thành phố sầm uất nhất của Australia thuộc bang New South Wales, giá trị trung bình của một căn nhà đã tăng 1,6% lên mức kỷ lục 1,33 triệu AUD (905.000 USD). Trong vòng 12 tháng qua, giá nhà ở trung bình của thành phố này tăng tổng cộng 30,4%.
Tương tự, tại Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, giá trị trung bình của một căn nhà ở đã tăng 1%, hiện chạm mức cao nhất từ trước đến nay, với giá trị khoảng 972.660 AUD (660.000 USD), đẩy mức giá nhà trung bình cả năm tăng 19,5%. Tại thủ đô Canberra, giá trị trung bình của nhà ở được ghi nhận có mức tăng lớn nhất toàn quốc, cao hơn 29% trong vòng một năm. Tính đến tháng 10/2021, một căn nhà tại Canberra có mức giá chạm ngưỡng kỷ lục 985.000 AUD (670.000 USD).
Giám đốc nghiên cứu của CoreLogic, Tim Lawless, cho biết, tốc độ tăng giá nhà ở trong tháng 10 của Australia đã chậm lại so với tháng trước đó, nhờ các yếu tố cơ bản như tăng trưởng thu nhập và nguồn cung nhà bắt đầu bắt kịp với toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, giá nhà tiếp tục cao hơn so với tiền lương một mức tỷ lệ 1/12 đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân có mức thu nhập từ trung bình trở xuống khó có khả năng chi trả.
Giám đốc điều hành của Tổ chức tư vấn bất bình đẳng Per Capita, Emma Dawson, cho biết, mức độ tăng lương thực tế của người dân Australia trong suốt một thập kỷ vừa qua không được cải thiện đáng kể, trong khi giá bất động sản tăng “chóng mặt”. Bà nói giờ đây những người Australia trẻ tuổi khó có thể gom góp đủ tiền để chi trả cho các khoản đặt cọc nhà ở. Họ sẽ phải trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ, hoặc chịu các khoản vay thế chấp lớn hơn để có thể sở hữu một căn nhà.
Người phát ngôn viên của nhóm vận động hành lang nhà ở giá cả phải chăng Everybody’s Home, Kate Colvin, lưu ý giá trị của nhà ở tại Australia tăng cao gây ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng giá của các căn hộ cho thuê. Bà Colvin lo ngại người lao động sẽ ngày càng “mắc kẹt” lâu hơn trong các hợp đồng thuê nhà “đắt đỏ”, thay vì có khả năng tích lũy để mua nhà. Điều này cũng dẫn tới tình trạng đầu cơ leo thang và xa hơn nữa là tiềm ẩn của nguy cơ lạm phát.
Bà Colvin khẳng định tình trạng thiếu nguồn tài chính để mua nhà không chỉ hiện hữu đối với những người trong diện thu nhập thấp, mà còn là vấn đề đối với cả những người có mức thu nhập trung bình, gây ra lo ngại về việc họ sẽ phải gánh một khoản nợ thế chấp lớn khó có thể trả hết được, kể cả tới lúc nghỉ hưu.
Dự kiến, Hội đồng quản trị của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng trung ương) sẽ nhóm họp vào ngày 2/11 để thảo luận về các chính sách nới lỏng định lượng (QE) quan trọng. Vào tuần trước, lợi tức trái phiếu của Chính phủ Australia kỳ hạn 3 năm đã tăng lên 0,6%, dù cho chính sách của RBA là cố gắng giữ chúng ở mức 0,1%.
Các thị trường tài chính kỳ vọng RBA sẽ xóa bỏ mục tiêu 0,1% và nâng dự báo lạm phát của cơ quan này. Điều đó có nghĩa là RBA sẽ từ bỏ quan điểm đã tuyên bố từ trước đó rằng các điều kiện cần thiết để tăng lãi suất sẽ chưa xuất hiện cho đến năm 2024. Nhiều nhà kinh tế chung nhận định việc RBA xem xét lại chính sách tiền tệ và tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch sẽ giúp kiểm soát được tình hình lạm phát thực tế, giúp giảm nhiệt hơn nữa sự tăng nóng quá mức của thị trường bất động sản nội địa./.