Giá lúa gạo giảm mạnh thương lái bỏ cọc, nông dân chấp nhận bán giá thấp

Thời điểm này tại vùng ĐBSCL người dân các địa phương bắt đầu thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán 2024 tới nay, giá lúa giảm mạnh, có nơi giảm hơn 1.500 đồng/kg về mức thấp nhất nửa năm qua. Thậm chí ở nhiều nơi thương lái bỏ cọc, để tránh rủi ro, thiệt hại, không ít nông dân buộc phải bán lúa với giá thấp.
gia-lua-gao-01-1709092319.jpg
Các địa phương vùng ĐBSCL đang thu hoạch lúa Đông Xuân 2024. (Ảnh minh họa)

Đôn đáo tìm thương lái, giá lúa giảm mạnh

Những ngày qua, chị Lê Kim Mai (ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) và gia đình chạy đôn chạy đáo tìm đối tác thu mua, thu hoạch, vận chuyển… gần 2ha lúa đã vượt quá thời gian thu hoạch gần 1 tuần.

Chị Mai cho biết, giữa tháng Chạp năm 2023, một thương lái đồng ý mua lúa của gia đình với giá 8.700 đồng/kg và đã đặt cọc, thương lái trực tiếp thu hoạch. Tuy nhiên, sau tết, bên mua cho hay chỉ mua được với giá 7.400 đồng, với nhiều lý do khó chấp nhận.

“Dù nỗ lực thương lượng với bên mua nhưng không có kết quả, gia đình tôi chấp nhận phương án tự thu hoạch, phơi sấy để chờ giá lúa lên”, chị Mai chia sẻ.

Tương tự gia đình chị Mai, hiện rất nhiều nông dân ở các địa phương ĐBSCL rơi vào thế khó khi bị thương lái bỏ cọc ở thời điểm lúa sắp đến kỳ thu hoạch. Nhiều nông dân cho biết đành chấp nhận bán lúa với giá thấp, bởi kéo dài thời gian thu hoạch thì sẽ chịu rủi ro, thiệt hại đôi khi lớn hơn tiền đặt cọc.

Ông Quách Minh Khoa (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho hay, vừa bán lúa ST25 trên diện tích 4ha với giá 9.400 đồng/kg, dù giá hợp đồng với thương lái trước tết là 9.800 đồng/kg.

“Thương lái đòi bỏ cọc ở thời điểm lúa đúng ngày thu hoạch khiến gia đình tôi không thể trở tay. Để tránh rủi ro sau một mùa vụ tốn nhiều công sức, tôi chọn phương án an toàn, bán lúa với giá thấp hơn giá nhận cọc 400 đồng/kg. Với sản lượng gần 50 tấn lúa/4ha, tôi mất khoảng 20 triệu đồng”, ông Khoa tâm sự.

gia-lua-gao-03-1709092354.jpg
Nhiều nông dân ở các địa phương ĐBSCL rơi vào thế khó khi bị thương lái bỏ cọc ở thời điểm lúa sắp đến kỳ thu hoạch. (Ảnh minh họa)

Vụ Đông Xuân 2023-2024, tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích gieo sạ hơn 45.000ha, hiện đã thu hoạch gần 2.000ha, năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha. Ông Nguyễn Hải Nam (huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình canh tác 1,6ha lúa, trước tết thương lái đặt cọc mua với giá 9.000 đồng/kg, tuy nhiên đến khi thu hoạch thương lái chỉ mua với giá 8.100 đồng/kg.

“Lợi nhuận thấp nhưng tôi vẫn chấp nhận bán để đảm bảo an toàn, bởi thời gian gần đây giá lúa không ổn định”, ông Nam nói.

Tại Long An, ông Lưu Văn Ngà, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng, Long An), thông tin, một hộ trong hợp tác xã vừa thu hoạch 30 mẫu ruộng, bán hơn 200 tấn lúa với giá 8.300 đồng/kg cho thương lái, giảm 250 đồng/kg so với giá đặt cọc ban đầu.

Theo ghi nhận tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An…, phần lớn nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái, “cò lúa” đưa ra, thấp hơn 1.000-1.500 đồng/kg với giá nhận cọc, đồng nghĩa với việc nông dân thất thu khoảng 1-1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.

Ba nguyên nhân dẫn tới biến động giá lúa gạo

Nhận định về diễn biến giá lúa gạo, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết: Giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu biến động trong suốt tuần vừa qua và cho đến hôm nay (26/2) là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, là do biến động về mặt thị trường.

Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, nước ta đã xuất khẩu 512.265 tấn gạo và thu về hơn 362 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 7% kim ngạch so với tháng trước đó. Đồng thời tăng 42% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Philippines vẫn giữ vị trí nhà nhập khẩu gạo Việt lớn nhất với gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8% về trị giá so với tháng 12/2023. Giá trung bình đạt 691 USD/tấn, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước.

Đáng chú ý, vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ 2 đã có sự thay đổi. Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023.

Giá bình quân đạt 1.040,2 USD/tấn, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Với sự biến động này, bản thân doanh nghiệp cũng phải chờ đợi xem cơ cấu nhập khẩu gạo của các nước như thế nào? Hiện nay, gần như các nhà cung cầu (bao gồm cả nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, nhà xay xát) đều có tâm lý nghe ngóng thị trường.

gia-lua-gao-04-1709092300.jpg
Theo sở NN-PTNT nhiều địa phương ở ĐBSCL, với giá lúa 7.000-8.000đồng/kg, nông dân vẫn có lãi (25-35 triệu đồng/ha). (Ảnh minh họa)

Thứ hai, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa chống hạn chỉ còn 2 tuần nữa là thu hoạch hết. Nhưng giống lúa không chống hạn còn có thể kéo dài và thu hoạch sang cuối tháng 3/2024.

Lúa vụ mùa Đông Xuân bao giờ cũng đi kèm với chất lượng tốt và sản lượng lớn. Bản thân các doanh nghiệp đều muốn mua gạo này để chuẩn bị cho các hợp đồng ký vào đầu năm. Đồng thời, có thể đặt ra khung giá được đánh giá như “bàn đạp” để có thể xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Do đó, doanh nghiệp mua bán gạo cầm chừng do vừa tác động của yếu tố thị trường, vừa để xây dựng nền tảng dài hơi trong năm nay.

Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tìm mọi cách ép giá nông dân do nguồn cung đầy lên trong bối cảnh vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn thu hoạch. Tôi cho rằng, quan điểm này là không thật khách quan. Bởi nếu chúng ta đặt vào vai doanh nghiệp với các tác động về thị trường, cộng với vấn đề về chi phí vận chuyển tăng do vấn đề xung đột Biển Đỏ thì họ cũng sẽ buộc phải tính toán để không bị rơi vào thế bị động.

Với nông dân trồng lúa, thông tin về tình hình El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính trên thế giới đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Bên cạnh đó, thông tin về việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024, giảm thêm 4,5 triệu tấn so với mức trước đó.

Cụ thể, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 513,5 triệu tấn (dự báo trước đó là 518 triệu tấn). Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ được dự báo sẽ đạt trên 522 triệu tấn. Với cung - cầu như trên, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Việc cung ít hơn cầu sẽ tạo đà cho giá gạo xuất khẩu tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2024.

Với kinh nghiệm năm 2023 cho thấy họ cứ giữ lúa lại và kỳ vọng sẽ bán được đúng thời điểm sẽ tốt hơn. Vì vậy, nông dân cũng chờ đợi với tâm lý giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu giảm thì sẽ tăng. Vì vậy, họ giữ lúa lại và không bán ra.

Thứ ba, các nhà nhập khẩu gạo biết Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nên chưa vội mua vào mà chờ giá tốt.

Nông dân chờ, doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu cùng chờ. Những cái chờ này đều để lắng nghe thị trường về xuất nhập khẩu. Tôi cho rằng, tình trạng chờ đợi này sẽ còn kéo dài trong thời gian ngắn nữa.

Theo sở NN-PTNT nhiều địa phương ở ĐBSCL, với giá lúa 7.000-8.000đồng/kg, nông dân vẫn có lãi (25-35 triệu đồng/ha), tuy nhiên việc giá lúa tăng giảm bất thường trong thời từ trước Tết Nguyên đán 2024 đến nay khiến nông dân lo lắng. Do vậy, người dân kiến nghị cần có biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho nông dân./.

Bình Nguyên