Gia Lai phát huy lợi thế nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xanh

Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
1-1714863639.jpg
Qua Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai có cơ hội để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu và các chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và du lịch.

Ngày 30/12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định: Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Đặt mục tiêu phát triển kinh tế xanh dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có

Nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 15.000 km2, lớn nhất Tây Nguyên và lớn thứ 2 cả nước, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và 44 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên nền văn hoá giàu bản sắc mang đậm dấu ấn của người Tây Nguyên.

Với vị trí là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, tỉnh có khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng vừa được Unesco chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

2-1714863738.jpg
Với vị trí là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 840.000 ha, trong đó nhóm đất đỏ vàng có diện tích gần 750.000 ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên, rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Chanh dây, bơ, mít, sầu riêng; đất pha cát có diện tích 48.000 ha, phù hợp với các loại rau màu và cây tạo bóng mát. Tổng trữ lượng nước mặt của Gia Lai khoảng 23 tỷ m3 phân bố trên các hệ thống sông chính là hệ thống sông Ba, hệ thống sông Sê San và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpok.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Gia Lai là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, đồng thời là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân”.

“Trong phát triển kinh tế, Gia Lai đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa”, ông Nguyễn Hữu Quế cho biết thêm.

Đồng thời, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía, sắn, chè, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng những chính sách ưu đãi cụ thể

Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh như Nghị quyết số 5 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh; Nghị quyết số 7 về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; Nghị quyết 108 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng; Nghị quyết số 102 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 97 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

3-1714863790.jpg
Trong phát triển kinh tế, Gia Lai đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên.

“Về quy trình đầu tư, tỉnh đang xây dựng lại sổ tay hướng dẫn đầu tư theo lưu đồ đảm bảo minh bạch hóa tất cả các khâu trong quy trình, cụ thể nh: Nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh sẽ biết được tổng thời gian kể từ khi đăng ký đầu tư đến khi đưa dự án đi vào hoạt động là bao nhiêu ngày; khâu nào do đơn vị nào chủ trì và các đơn vị phối hợp; thời gian giải quyết tối đa của từng khâu. Trong từng khâu thì có các quy trình con cũng chi tiết như vậy. Sổ tay này sẽ do UBND ký ban hành và các đơn vị căn cứ triển khai thực hiện và không được phép đặt ra bất kỳ thủ tục nào ngoài hướng dẫn đã được phê duyệt trừ khi có sự thay đổi các cơ chế chính sách của Trung ương”, ông Nguyễn Hữu Quế chia sẻ.

“Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, Gia Lai đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hàng tuần họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách toàn diện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khi đăng ký đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động”, ông Nguyễn Hữu Quế chia sẻ thêm.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy mạnh giới thiệu đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các chính sách ưu đãi khi tìm hiểu, khảo sát và hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như nông lâm nghiệp bao gồm các dự án về nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, trồng rừng, dược liệu, trung tâm giống các loại; Lĩnh vực công nghiệp bao gồm các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trung tâm Logicstic, cảng cạn, các nhà máy chế biến nông lâm sản, giết mổ tập trung, súc sản, thức ăn gia súc; Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch bao gồm các dự án về khu trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, khu đô thị thông minh, khu dân cư hiện đại, khu thể thao (sân Golf), khu vui chơi giải trí, các khu du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, cộng đồng./.

Đạm Quang Lê