Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.
Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn. Đây được coi là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua. Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore... đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đặc biệt, gạo chất lượng cao chiếm phần lớn.
Trong 4 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 26 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo sang châu Âu cũng tăng trưởng gần 50%, nhất là các thị trường Hà Lan, Bỉ, Ba Lan. Đồng thời xuất khẩu gạo vẫn giữ vững các thị trường truyền thống và trọng điểm, như Philippines.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo gặp khó khăn do ký hợp đồng xuất khẩu từ trước, trong khi giá thu mua lúa cũng tăng nhanh theo giá gạo xuất khẩu khiến các doanh nghiệp chịu thiệt từ khoản chênh lệch giá nguyên liệu đầu vào.
Một thương nhân kinh doanh gạo tại TP.HCM cho biết, nhu cầu đối với gạo Việt Nam tiếp tục ở mức cao, trong khi đó nguồn cung lúa gạo trên thị trường nội địa lại đang ở mức thấp khi vụ thu hoạch Đông Xuân đã kết thúc. Đồng thời, xuất khẩu gạo trong năm 2022 tăng cao nên lượng hàng tồn kho để gối đầu trong năm nay ở mức rất thấp.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang đẩy mạnh thu mua nhằm hoàn thành các đơn hàng lớn đã ký với khách hàng Indonesia hồi đầu năm. Nguồn cung lúa gạo tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trở lại vào khoảng đầu tháng 9 khi vụ thu hoạch Hè Thu diễn ra.
Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến trung tuần tháng 5/2023, Việt Nam xuất khẩu được hơn 3,26 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 1,72 tỷ USD, tăng 37,5% về lượng và tăng 48,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, trở thành mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu yếu khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu gặp khó khăn.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 527,6 USD/tấn, tăng gần 8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gạo thơm có giá xuất khẩu cao hơn, từ 530 - 540 USD/tấn. Riêng tại thị trường Trung Quốc, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 4/2023 lên đến gần 577 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam.
Đồng thời, tỷ lệ gạo có giá trị cao như gạo thơm, gạo nếp, gạo tăng cường chất dư lượng đang tăng nhanh trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 2/2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.
Điển hình, các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó, nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan trong năm nay có thể tiếp tục bị hạn chế vì tình trạng khô hạn dưới tác động của hiện tượng El Nino. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn.
Hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) hiện cảnh báo thị trường gạo toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ thiếu hụt nguồn cung lên đến 8,7 triệu tấn. Đây là mức thiếu hụt nghiêm trọng nhất kể từ niên vụ 2003/2004 - thời điểm thị trường thiếu hụt tới 18,6 triệu tấn gạo. Do đó, giá gạo trên thị trường quốc tế dự kiến sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến năm 2024.