Nguồn cung giảm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất 2 năm qua

Tuần qua, giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm qua khi nguồn cung giảm, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu từ những khách hàng lớn.

Kết thúc tuần giao dịch ngày 20/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 495 - 500 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng từ mức 465 - 470 USD cách đây một tuần.

Theo các thương nhân, vụ thu hoạch Đông Xuân là vụ thu hoạch gạo lớn nhất trong năm của Việt Nam hiện đã kết thúc. Tuy nhiên, nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi nguồn cung trong nước đang xuống thấp.

Một thương nhân tại TP.HCM chia sẻ: "Với giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao, nhiều khả năng những khách hàng bao gồm cả Philippines có thể giảm tốc thu mua".

Trong khi đó, gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ ở mức 382 - 388 USD/tấn, giảm từ mức 385 - 392 USD của tuần trước. Theo giới quan sát, sự sụt giảm này chủ yếu do đồng Rupee mất giá.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang miền Nam Andhra Pradesh, cho biết nhu cầu về gạo xuất khẩu của Ấn Độ khá ổn định. Những khách hàng châu Á cũng tích cực giao dịch trong vài ngày qua.

Tương tự, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức 480 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 485 - 490 USD của tuần trước. Thị trường tại nước này đang khá im ắng sau kỳ nghỉ Tết Songkran mừng năm mới của người Thái.

Trước đó, người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan cho hay xuất khẩu gạo của nước này trong hai tháng đầu năm 2023 đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,4 triệu tấn.

Tại Bangladesh, các quan chức Bộ Nông nghiệp đang khuyến cáo người nông dân ở khu vực Đông Bắc cần nhanh chóng thu hoạch lúa vì nguy cơ xảy ra lũ quét do dự báo bang Meghalaya lân cận thuộc Ấn Độ sẽ xảy ra mưa lớn.

Ghi nhận giá lúa gạo ngày 23/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng tại một số địa phương. Cụ thể, tại Hậu Giang, giá lúa tăng ở một số loại như: IR 50404 là 7.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa OM 4218 tăng 100 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg; các loại khác vẫn ổn định như IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg...

1309-xk-gao-1682328930.jpg

Ảnh minh họa.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Theo đó, giá gạo nguyên liệu ở mức 9.600 đồng/kg. Tương tự, giá gạo thành phẩm cũng đi ngang ở mức 10.700 – 10.800 đồng/kg. Mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 dao động quanh mốc 9.200 đồng/kg, cám khô 7.350 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa Đông Xuân 2022 - 2023 ở các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch được 94% diện tích gieo trồng. Lúa Hè Thu 2023 đã xuống giống 532.367/1.479.536 ha. Nhiều diện tích lúa Hè Thu đã cho thu hoạch.

Thế giới thiếu 8,7 triệu tấn gạo năm 2023

Theo dự báo của Tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô Fitch Solutions thuộc Tập đoàn Fitch, thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong năm 2023.

Fitch Solutions cho rằng, sự thiếu hụt ở mức độ này đối với một trong những loại ngũ cốc được canh tác nhiều nhất thế giới được dự báo sẽ ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu gạo lớn. Và trên phạm vi toàn cầu, tác động rõ rệt nhất của tình trạng thiếu gạo là giá gạo đã và vẫn đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ, thậm chí giá gạo sẽ vẫn neo quanh mức cao hiện tại cho tới năm 2024. Báo cáo của Fitch Solution cũng dự báo trong năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, về nguồn cung lúa gạo toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đạt mức 503,96 triệu tấn, giảm gần 2%, tương đương giảm gần 11,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tại các nước xuất khẩu lớn giảm đáng kể đó là: Ấn Độ từ 130,29 triệu tấn xuống còn 124 triệu tấn; Pakistan giảm từ 9,1 triệu tấn xuống còn 6,6 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022, sản lượng được dự báo này ở mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.

Dự báo giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng…

Theo một vị Giám đốc sản xuất - Thương mại gạo tại tỉnh Vĩnh Long dự báo, năm nay, Việt Nam còn 2 đợt tăng giá gạo (vào khoảng tháng 5 và tháng 10 - 11) do nhu cầu nhập khẩu cao.

Vị này cho rằng, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua gạo trong tháng 4/2023. Nguyên nhân do, cao điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đã qua, lúa hàng hóa không còn nhiều, giá lúa gạo sẽ tăng lên. Các nhà nhập khẩu gạo sẽ tranh thủ mua vào. Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm cho chất lượng gạo tốt nhất, các công ty kinh doanh gạo nội địa cũng tranh thủ mua vào giữ chân hàng trong kho bán dần đến vụ Hè Thu, thậm chí bán đến vụ Thu Đông.

"Ngoài ra, đầu năm 2023, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lượng tồn kho rất thấp, thậm chí có những công ty gần như hết tồn kho. Trong khi theo quy định của Nghị định 107 mỗi doanh nghiệp phải giữ trong kho lượng gạo tương đương 5%/ tổng lượng gạo xuất khẩu", thương nhân này cho biết thêm.

Thi Nguyên (t/h)